theo kịp chiếc ghe trước. Được hai dậm trường, quả nhiên tới một bến có
đường dẫn thẳng lên tòa miếu cổ khá rộng rãi, sừng sững ở ngay dưới chân
đồi cây rậm rạp. Ghe lớn ghé vào bờ. Hành khách lũ lượt kéo xuống theo
lái đò bê lễ vật vào miếu. Tôn Tiểu Bát cũng định ghé vào bờ theo chiếc
ghe lớn, nhưng nhà Vua đã đứng ngay sau lưng y lúc nào không rõ, đưa tay
nắm lấy gáy y, dằn giọng :
- Biết điều đi thẳng và qua sông, trái lời ta bẻ gãy cổ.
Bị năm ngón tay cứng như sắt túm gáy đau quá và trước câu đe dọa cực
kỳ cương quyết của khách quá giang, Tôn Tiểu Bát sợ hãi, không ngờ ông
khách trắng trẻo phì nộn thế kia mà lại có sức khỏe nhường ấy, y đành run
rẩy theo lời chèo ghe đi thẳng. Mọi người vừa lên bờ, thấy vậy vội vàng
ngừng bước nhìn theo kinh ngạc, lo sợ thay cho người khách bướng bỉnh
trên ghe nhỏ không chịu theo tục lệ lễ thần, chắc thế nào cũng gặp thủy
quán nguy hiểm đến tánh mạng thôi.
Tôn Tiểu Bát tái mặt, vừa chèo vừa run rẩy :
- Thế này thì chết mất thôi! Tôi trả lại tiền đò, xin khách quan cho quay
về mướn ghe khác vậy!
- Không được! Nếu ngươi không nghe lời ta, ta đánh gãy cổ trước khi
gặp thủy quái! Bằng mà biết nghe lời ta sẽ thưởng tiền thêm.
Tôn Tiểu Bát xanh xám cả mặt đành theo lời nhà Vua chèo ghe tiến
thẳng.
Càn Long buông y ra, dặn thêm :
- Nếu thủy quái hiện lên, ngươi khá giữ vững tay chèo, mặc ta đối phó.
Không nói không rằng, Tôn Tiểu Bát thoa gáy rồi ra sức chèo. Ghe chở
nhẹ tiến vùn vụt trên mặt sông. Trên bờ, mọi người quên cả lễ thần, bảo
nhau đứng lên mỏm đá cao nhìn theo.
Một người khách nói :
- Người khách lạ cứng cổ không theo tục lệ lễ thần tất thế nào cũng bị
đắm ghe.
Người khác đáp :
- Khách lạ đó coi diện mạo phương phi quý tướng mà sao lại rồ dại đến
mức ấy!