Trước sự hiện diện của hai đại sư, Mai Nương, Tử Long, luyện kiếm
dưới ánh trăng xanh. Hai người lúc tiến khi lùi, hoặc khi đậu lên mỏm đá,
lúc sà xuống mái chùa, hai luồng thanh quang, bạch quang, vi vu, biến ảo,
linh diệu, nhập thần, tiếng kiếm chém vào nhau nghe chí chát khô khan
nghe lạnh gáy, rền rĩ âm vang khắp vùng núi âm u. Lã đại sư vỗ tay ra hai
môn đồ thâu kiếm lại. Cam, Lã từ nóc chùa liệng mình xuống sân nhẹ
nhàng như chiếc lá mùa thu, tra kiếm vào vỏ, chắp tay hầu.
Lã Tứ Nương nói :
- Hiền đồ đã đạt tới mực độ siêu phàm, rất đáng mừng, nhưng ta muốn
truyền nốt mực độ cuối cùng rất hiếm có để hai hiền đồ đi tới mực độ xuất
phàm điêu luyện. Hãy nghe ta giảng đây. Trong khi học thập bát ban võ
nghệ, hai hiền đồ đã luyện thuật phi tiêu, phi đao và phóng trâm, liệng đạn.
Trong bốn môn phi đó Mai Nương đã đặc cách luyện môn trâm, còn Tử
Long thì hoàn toàn về môn phóng thiết đạn. Nay ta đặc cách truyền cho
môn phóng kiếm, nghĩa là sử dụng thanh trường kiếm như ngọn tiêu, lá
đao, cây trâm và viên đạn để đâm hay trảm một vật gì cách xa mình. Thanh
kiếm không phải môn võ khí dễ phóng ra như bốn môn tiểu võ khí kia. Bởi
vậy khi phóng kiếm, kiếm gia phải biết sử dụng cả thần khí nội công mới
hòng đánh đâu trúng đấy được. Môn phóng kiếm này chỉ riêng có hai phái
Côn Luân và Nga Mi xưa kia cùng thọ huấn một Sư tổ, sử dụng nổi, và chỉ
chọn lọc môn đồ mới bí truyền. Ngoại trừ chúng ta, hiện thời chỉ có sư
huynh ta là Chu Tâm sư trưởng Nga Mi sơn thay thế thầy ta đã viên tịch, và
Thiên La Hán sư trưởng Côn Luân sử dụng nổi thuật này. Chặng cuối đây
còn trên một năm nữa, ta mong các hiền đồ cố gắng cho khỏi ô danh môn
phái.
Nghe Lã đại sư giảng dạy một hồi, Mai Nương và Tử Long rất đỗi vui
mừng, từ đó ra công học môn bí truyền phóng kiếm.
Hơn một năm sau, thuật phóng kiếm của Lã và Cam đã nhập thần bách
phát bách trúng.
Một hôm Lã đại sư bảo :
- Ta muốn thử các hiền đồ lần cuối cùng, hãy ra đây.