người ấy chỉ chuyên dùng Thiết lê thương hạ mồi chớ không dùng cung
tiễn.
Vào tới thung lũng Long Sơn, bọn Cao Tấn Trung thấy Hoàng Hoa trại
khang trang kiên cố, choán hẳn chân núi phía Tây và toàn thể thung lũng
được khai khẩn gọn gàng, đẹp mắt thì không khỏi ngạc nhiên.
Cao Tấn Trung nói :
- Ồ, không ngờ nơi Long Sơn này lại có một thế giới nông nghiệp đặc
biệt như vậy! Từ Quan Đồ huyện tới đây, có ba thôn trang nhưng không
một nơi nào gọn gàng, lớn lao như sơn trang này.
Mã Hùng chỉ các vọng lâu cao ngất ở bốn phía trang thôn mà rằng :
- Sơn trang được phòng vệ cẩn mật dường kia, hẳn phải có một số người
theo học phái Bạch Hạc.
Lúc bấy giờ đã quá Ngọ, bốn môn đồ Tây Khương đi vòng qua cổng
trang nhận xét, thấy tấm biển vắt ngang trên trang môn đề ba đại tự Hoàng
Hoa Trại. Thôn dân làm việc ngoài rẫy, trên nương đều đã nghỉ tay dùng
bữa dưới bóng cây rậm mát.
Phương Thất lẩm bẩm :
- Thôn trang nào cũng có một vài tửu điếm rải rác ngoài đầu trang, riêng
nơi này không có gì ráo trọi, như bất cần khách qua đường!
Cao Tấn Trung cười :
- Phương sư đệ quên rằng trước khi vào khu vực này, người ta đã cho
biết là không có hàng quán nào cả ư?
Phương Thất đáp :
- Quên sao được, nhưng tiếc thay cho một thôn trang ở giữa khung cảnh
hùng vĩ ngoạn mục đường này mà thiếu tửu điếm, quả là sự sơ sót đáng
nói.
Cao Tấn Trung chỉ một mục đồng đang véo von thổi sáo trên mình trâu
dưới bóng cây dương lớn.
- Ta đến kia hỏi thăm chú bé đường lên núi lối nào.
Bốn người liền đến thẳng gốc dương.
Thấy người lạ đi tới, mục đồng ngừng tiếng sáo, chăm chú nhìn hết
người lại đến võ khí đeo bên sườn.