Sau khi hạ Ngưu Hóa Giao, Kiền lại được hai vị hòa thượng truyền cho
thế đá độc ấy, tuy Kiền chưa học qua bài Bát Tiên Quyền bao giờ. Nhờ tận
tâm dạy bảo của hai bực đại sư huynh, Á Kiền sử dụng thế cước đến nơi
đến chốn đã khiến Lữ Anh Bố kinh ngạc không ít.
Họ Lữ nghĩ thầm: “Ngưu Hóa Giao đạt cấp bậc trung đẳng lúc sinh thời
cũng không dùng nổi ngọn cước Túy Bát Tiên nữa là Hồ Á Kiền!”
Nói đúng ra không phải vậy, Ngưu Hóa Giao lớn ngang, nặng nề kỵ với
lối quyền Bát Tiên thì sử dụng sao nổi một lối quyền mà người luyện cần
hết sức nhẹ nhàng, mềm mại?
Nếu hồi đấu với Hóa Giao mà Á Kiền đã thuần thế Túy Bát Tiên rồi thì
chắc Á Kiền đã không phải dùng tới Hoa quyền.
Bị thế đá độc bất ngờ, Lữ Anh Bố giận lắm. Chàng vừa tạo bộ vững vàng
thì Á Kiền tiến tới đánh luôn.
Không dám khinh thường, chuyến này Anh Bố tiếp chiến rất thận trọng,
coi Á Kiền như đối thủ ngang tay. Vận dụng toàn lực, chàng tận tình giao
tranh.
Không kém, Á Kiền cũng nỗ lực chiến đấu.
Sáp chiến từ đợt thứ nhì, sau ngọn cước Túy Bát Tiên, hai bên giao đấu
dư ba mươi hiệp ngang tay. Quyền ra ồ ạt, cước phóng như bay, hai cặp giò
luôn luôn chuyển động sầm sập trên sàn đài.
Một bên Anh Bố dữ dội tựa mãnh hổ náo sơn, một bên Á Kiền lanh lẹ
như Bạch Viên đảo hải. Cầm cự ngang tay được bấy nhiêu lâu, Á Kiền biết
Lữ Anh Bố dư đại lực có thể tiếp đâu thêm trăm hiệp nữa. Trái lại, hai tay
chàng như dần mỏi khi phải gạt đòn địch, toàn thân rung chuyển. Nếu cứ
theo đà này, chỉ giao chiến trên mươi hiệp nữa thì thế nào chàng cũng lâm
nguy.
Các hào kiệt Thiếu Lâm đứng tản mát xung quanh lôi đài và Song hiệp -
Lã Mai Nương, Cam Tử Long đều nhận rõ thấy tình trạng của Hồ Á Kiền.
Mai Nương bảo nhỏ Cam Tử Long :
- Sư huynh nhìn nét mặt hoan hỉ của tên đồng bọn Lữ Anh Bố kìa. Gã
biết Hồ Á Kiền bại trận đến nơi rồi nên không giấu được nỗi vui mừng trên
nét mặt!