Khi sắp xếp những ý nghĩ tươi sáng đó rồi rón rén bày ra trên giấy, có
thể Lợi đang mỉm cười cho tương lai, cũng có thể nó đang nhỏ nước mắt
tong tong xuống hiện tại. Nhưng tôi tin, dù nụ cười hay nước mắt thấm vào
những trang văn thì câu chuyện tuyệt vời về chàng chăn ngựa có lẽ đã góp
phần ru nó qua những cơn ác mộng của cuộc đời. Giống như người bị sóng
nước nhấn chìm đang cố quờ tay vào cọc nhọn, một đứa bị số phận nhấn
chìm như thằng Lợi có vẻ cũng đang cố níu lấy một giấc mơ để vượt qua
giông bão của đời mình.
Tôi không biết tôi sẽ còn thao thức đến bao lâu trong tối hôm đó để nghĩ
mãi về thằng Lợi nếu giấc ngủ không thình lình tóm lấy tôi ngay vào lúc tôi
bắt đầu cảm thấy không muốn ngủ chút nào vì càng nghĩ về thằng Lợi tôi
càng nhận ra được bao nhiêu điều hay ho mà trước đây tôi không bao giờ
nghĩ tới.
o O o
Trong khi đám thi sĩ bọn tôi và các nàng thơ vẫn không nguôi ám ảnh về
câu chuyện của văn sĩ Mã Phú và tiếp tục nghĩ trong vô vọng cách thức làm
sao để nhỏ Duyên sớm biết được sự thật về nhân thế thằng này thì cả bọ tạm
thời phải ngưng mọi nghĩ ngợi để tập trung đóng đặc san thành tập và sau đó
hí hoáy lồng vào từng cái bìa một rồi lấy keo dán lại
Những lần trước, ban báo chí nhà trường dưới sự lãnh đạo của thi sĩ
Lãnh Nguyệt Hàn chỉ dám in ba trăm tập (dĩ nhiên bán không hết, phút chót
toàn đem biếu), năm nay cậy danh tiếng của Mã Phú với “tuyệt phẩm Chàng
chăn ngựa của nhà vua” (chữ dùng của Lãnh Nguyệt Hàn), Thọ đề nghị tăng
số lượng lên gấp đôi bằng cách khí khái thể với thầy hiệu trưởng là nếu nó
không hoàn đủ vốn lại cho nhà trường nó sẽ lập tức bỏ trường ra đi.
Thầy hiệu trưởng biết thừa tay trưởng ban báo chí chỉ giỏi khua tay môi
múa mép vì dù lãi hay lỗ trong vụ đặc san này thằng Thọ cũng phải khăn gói
khỏi trường để vào thành phố học tiếp nhưng vì thầy vốn yêu văn chương,
lại cũng biết thiên truyện của Mã Phú đang được ái mộ nên thầy gật đầu dễ
dãi, chỉ thòng một câu dọa đùa: “Nếu em không hoàn vốn lại cho nhà trường