- Tụi này không cần!
Nước lạnh còn khá. Cúc Tần hạ một câu khiến bốn chàng thi sĩ có cảm
giác như bị ai liệng giày vào giữa mặt:
- Ai lười học bài mới nghĩ ra trò ma giáo này!
Lời lên án nhuốm mùi đạo đức của Cúc Tần kết thúc luôn buổi nói
chuyện, tất nhiên theo cái cách không một đứa nào trong bốn đứa tôi ngờ tới.
o O o
Nhưng lời đe dọa của các nàng thơ không phải là nguyên nhân thực sự
khiến bọn tôi chấm dứt các cuộc dạo chơi với cô Hiền và cô Mười.
- Con nè, – một hôm mẹ tôi kêu tôi lại, nghiêm mặt rầy – tụi con lớn xác
rồi, mười bốn, mười lăm tuổi rồi, các cô giáo thì trẻ măng, tụi con đừng có rủ
các cô đi chơi buổi tối nữa kẻo người ta xì xầm, tội nghiệp các cô!
Năm đó tôi và thằng Hòa mười bốn. Sơn mười lăm. Thọ lớn nhất, mười
bảy. Cô Mười hai mươi, cô Hiền hăm mốt. Nhưng khi đứng cạnh thì bọn tôi
đứa nào cũng cao hơn hai cô giáo cả nửa cái đầu.
Tất nhiên cô giáo vẫn là cô giáo, học trò vẫn là học trò. Hai cô thích đi
chơi với bọn tôi vì tìm thấy ở đó những tình cảm ấm áp giúp cuộc sống ở thị
trấn xa lạ bớt buồn tẻ và vô vị. Còn bọn tôi thân thiết với cô Hiền (và cô
Mười) trước hết để tẩy xóa mặc cảm tội lỗi khi đồng lòng ghét bỏ môn sinh
vật của cô, sau nữa vì cô xem tụi tôi như những nhà thơ xứng đáng để cô kết
bạn chứ không phải là những đứa học trò hỉ mũi chưa sạch.
Thoạt đầu tôi đã định ngoác miệng cãi lại mẹ tôi, định gân cổ phân bua,
định nói với mẹ là thầy Khương đẹp trai dạy toán và giỏi bóng chuyền đang
để ý cô Hiền, bằng chứng là bữa nào cô Hiền bị ốm hay vì lý do gì đó đột
ngột nghỉ dạy bao giờ thầy Khương cũng tự động chui vô lớp cô Hiền tích
cực ổn định trật tự để thầy hiệu trưởng khỏi phê bình cô về cái tội nghỉ dạy
không báo trước. Tôi đã định kể lể như vậy nhưng khi mẹ tôi nói câu cuối