nước này đến nước khác để giảng nhân nghĩa lễ trí tín, há chẳng phải là làm
cái bình phong để tiếp tay cho bọn quan lại, vua chúa đàn áp, bóc lột nhân
dân sao? Há chẳng phải là giả dối, lừa mị sao? Vậy thì Khổng Tử, Mặc tử
đã làm được gì cho thiên hạ? Hỡi ơi! Sao bọn họ không thấy xấu hổ, không
biết nhục nhỉ!
-Nhưng thưa thầy đó là chuyện của thời xưa.
-Thời nay nào có khác gì. Bọn trộm cướp chuyên nghiệp, trộm cướp
có hệ thống, lại chính là bọn kêu gọi tình người, tình đồng chí. Tù nhân đầy
trong các nhà giam, hàng triệu con gái nông thôn lên thành phố làm gái
điếm, trẻ bụi đời, dân nghiện ngập, thanh niên thất nghiệp đầy dẫy trong
các xóm lao động tối tăm, những dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên đang sống
lầm than như súc vật…thì không ai lo, lại hô hào bảo vệ bản sắc dân tộc,
bảo vệ truyền thống, bảo vệ cái khăn đóng áo dài, cái nón quai thao… có
phải là lừa bịp không?
-Nhưng tôi chỉ muốn tổ chức một lễ cầu siêu…
Dã Nhân đáp:
-Để ta kể cho ông nghe chuyện Khổng Tử cùng học trò là Nhan Hồi
tới nước Vệ, gặp thái sư nước Lỗ tên là Kim. Nhan Hồi hỏi Kim:
-Ông nghĩ sao về thầy tôi?
-Thầy ông sẽ bị khốn cùng mất thôi!
-Sao vậy?
-Khi cúng tế người ta thường dùng một con chó rơm bọc gấm rất đẹp.
Người ta đặt con chó rơm ấy lên bệ rất là trang trọng. Nhưng khi đã cúng
xong rồi thì con chó rơm bị vứt đi, lăn lóc dưới đất. Người ta đi qua đi lại
dẫm đạp lên. Dày xéo lên. Có người cắt cỏ nọ nhặt con chó rơm đó đem về