-Để ba đi mua bánh cho con.
Tôi chạy ra khỏi nhà, quệt nước mắt bằng ống tay áo. Khi tôi đem ổ
bánh mì về thì đứa bé đã ngủ. Nó ngủ ngồi, gục mặt lên cái giỏ xách.
Kỷ niệm đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời.
°
Sau giải phóng, bước đường công danh của Trần Quốc Thuận cũng
không suôn sẻ lắm. Hình như người ta đã hỏi anh: “Tại sao đồng chí vượt
ngục trong khi chờ trao trả tù binh?” Tôi nghĩ rằng người hỏi câu đó chưa
từng ở tù nên không biết tâm trạng khát khao tự do của một người bị nhốt
giữa bốn bức tường. Còn tôi, tôi hiểu anh, vì tôi đã từng ở tù chế độ cũ đến
3 lần! Ba lần khao khát tự do và cũng là ba lần khẳng định phẩm chất của
một trí thức trẻ dám dấn thân vào con đường mình đã chọn, cho dù con
đường ấy cuối cùng đã bị xói mòn, lở loét bởi những cơn lũ của lòng tham
không đáy.
Có dạo Thuận làm bí thư phường, rồi làm một ông sếp nào đó của tòa
án nhân dân thành phố HCM. Và chức vụ cao nhất của anh là Phó chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội. Lúc ấy vợ anh là Tổng cục trưởng Tổng cục
Du lịch.
Vào những năm cuối cùng trước khi về hưu, anh đã có những phát
biểu khá táo bạo về mối quan hệ giữa Đảng và quốc hội. Theo anh, vì đảng
viên chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội nên kết quả những cuộc bỏ phiếu
đều theo ý muốn của Đảng. Hơn nữa, lại có Ban thường vụ Quốc hội là nơi
có quyền quyết định mọi thứ, mà cái Ban này lại gồm toàn những cán bộ
lãnh đạo cao cấp của Đảng, vì thế có thể nói quốc hội và Đảng là một. Anh
chủ trương giải tán Ban thường vụ Quốc hội, tách rời Đảng ra khỏi quốc
hội, có như thế thì quốc hội mới có thực quyền.