dự án bất động sản tuy kém phần ngoạn mục nhưng cũng không kém phi kinh tế
như các toà nhà ở Malaysia.
Sự sụp đổ không bắt nguồn từ các nhà đầu cơ bên ngoài nhìn thấy chỗ yếu và
tiến công. Nhà đầu tư đầu tiên bước ra cửa lúc nào cũng chính là nhà đầu tư trong
nước có thông tin tốt nhất. Các nhà công nghiệp Indonesia đưa tiền của họ ra khỏi
nước trước vì họ có được thông tin là Ngân hàng Trung ương Indonesia sắp cạn
ngoại tệ. Những nhà đầu tư xây dựng tại Manila được biết trước là các toà nhà
mới gặp khó khăn trong việc cho thuê. Các nhà công nghiệp Hàn Quốc có người
thân làm việc trong Ngân hàng Trung ương là những người đầu tiên có được
thông tin là thống kê về dự trữ ngoại tệ không chính xác. Nhà ngân hàng Thái
Lan là người biết trước sổ sách kế toán gian dối của những công ty mà ngân hàng
cho vay. Biết trước những gì đang xảy ra, họ sẽ nhanh chóng thoát ra cửa về mặt
tài chính.
Những người bên ngoài là những người sau cùng có được thông tin. Nhưng khi
các nhà đầu cơ quốc tế tham gia rút lui thì sự hỗn loạn đã bắt đầu từ lâu rồi.
Nhưng những nhà đầu cơ quốc tế cũng giống như loài cá ăn thịt trên sông
Amazon. Khi họ ngửi thấy mùi máu trong nước, họ tấn công và họ có thể đưa
những số tiền rất lớn – lớn đến mức làm cho dự trữ ngoại tệ của những nước lớn
nhất không thấm vào đâu. Thị trường tiền tệ thế giới di chuyển từ 1.500 tỷ đến
2.000 tỷ USD mỗi ngày và Nhật Bản, nước có dự trữ ngoại tệ cao nhất hiện nay,
chỉ có 200 tỷ USD. Chỉ cần một giờ phối hợp tiến công, Nhật Bản có thể bị phá
sản.
Báo chí tài chính phương Tây cho rằng những sự kiện này sẽ không xảy ra nếu
thị trường tài chính châu Á cởi mở hơn – giống như ở Hoa Kỳ. Báo chí tài chính
châu Á cho rằng sự kiện này sẽ không xảy ra nếu chính phủ kiểm soát thị trường
tài chính – phong cách của châu Á. Cả hai đều sai. Nếu thị trường tài chính theo
phong cách Hoa Kỳ sẽ tránh được khủng hoảng thì lịch sử của Hoa Kỳ đã không
có những cuộc khủng hoảng rải rác đây đó. Mexico lâm vào khủng hoảng năm
1982 trong khi hệ thống ngân hàng hoàn toàn do chính phủ sở hữu và kiểm soát.
Mexico cũng lại khủng hoảng vào mùa đông năm 1994-95 sau khi đã tư nhân
hóa hoàn toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động cởi mở theo kiểu của Hoa Kỳ.
Tự do hóa thị trường tài chính là điều tốt nhưng không phải là một bảo đảm
không có khủng hoảng.