Chúng ta hãy xem Trung Quốc vào thế kỷ thứ 15. Những sự hiếu kỳ, những ý
định khám phá, và khuynh hướng tiến đến việc tạo dựng đã tạo ra tất cả các công
nghệ cần thiết cho một cuộc cách mạng công nghệ - điều không xảy ra trong suốt
350 năm sau. Họ đã có lò nhiệt luyện với ống bễ thổi gió để luyện thép (sản
lượng thép hàng năm của Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ 11 đã không ai sánh
kịp trong 700 năm); thuốc súng và súng thần công dùng trong quân sự; la bàn và
bánh lái để đi thám hiểm; giấy, bản in chữ di động, bản in thông báo để phổ biến
kiến thức; cày có bánh xe, tròng cổ ngựa; máy đập lúa và máy gieo hạt để tăng
thặng dư nông phẩm; khả năng khoan khai thác khí thiên nhiên; và trong toán
học: hệ thống thập phân, số âm và ý niệm số không để phân tích những gì họ
đang làm. Những hạm đội lớn (có đến khoảng 28.000 người) đã thăm dò bờ biển
Đông Châu Phi cùng thời với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gửi những hạm đội
thăm dò nhỏ hơn nhiều xuống vùng biển phía Tây Châu Phi. Họ đã có bảy
chuyến thám hiểm chính vào vùng biển Ấn Độ với những thuyền to gấp bốn lần
thuyền của Columbus.
Nhưng những cuộc thám hiểm địa lý và cách mạng công nghiệp đã có thể xảy
ra theo ý nghĩa công nghệ đã không xảy ra. Người Trung Quốc đã từ bỏ không sử
dụng, và dần bỏ qua những công nghệ có thể đưa họ đến việc thống trị thế giới.
Những công nghệ mới được cho là những hiểm họa thay vì là những cơ hội. Sự
canh tân bị cấm chỉ. Vương triều cấm đoán đóng tàu đi biển mới và không cho
phép đi ra khỏi hải phận Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ thứ 15, nhu cầu về trật tự
đã vượt qua bản tính hiếu kỳ, khát vọng khám phá và khuynh hướng xây dựng
của con người.
Trung Quốc đã có thể là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất,
nhưng họ lại có một nền văn hóa và cơ cấu tổ chức ngăn cản việc đó. Không phải
chỉ có Trung Quốc mà nhiều xã hội khác đã cho rằng không thể thực hiện được
vấn đề sử dụng những phương tiện mới trong lúc hủy diệt cái cũ. Thay đổi là điều
mà hầu hết các xã hội đều sợ. Nếu không có sự tiện nghi của những cái cũ, các
xáo trộn thường có thể xảy ra. Vì cần phải ngăn chặn xáo trộn nên những kiến
thức mới cần phải bị ngăn cấm. Những nỗi sợ hãi về công nghệ vi sinh ngày nay
có thể gợi nhớ lại nỗi sợ hãi của Trung Quốc đối với những công nghệ mới trong
thế kỷ thứ 15.