Thật vậy, những trường hợp kể trên đã chỉ ra rằng đối với nhiều loại hình
công việc – đặc biệt là trong quá trình sáng tạo – thì hợp tác cùng làm việc
sâu có thể mang lại kết quả tốt hơn. Do đó, chiến lược này đòi hỏi bạn phải
cân nhắc các lựa chọn xem cách tốt nhất để kết hợp sự chuyên sâu với công
việc là gì. Nếu làm vậy, hãy nhớ kỹ hai hướng dẫn dưới đây.
Thứ nhất, phân tâm vẫn là một yếu tố cản trở sự chuyên sâu. Do đó, mô
hình trục bánh xe-và-nan hoa là một mẫu thử quan trọng. Hãy tách việc
theo đuổi những cuộc gặp gỡ tình cờ ra khỏi những nỗ lực tư duy sâu và bắt
đầu từ những nguồn cảm hứng này. Bạn nên cố gắng tối ưu hóa từng nỗ lực
riêng biệt, thay vì gộp chúng lại với nhau thành một đống hỗn độn gây cản
trở cho cả hai mục tiêu.
Thứ hai, dù có ẩn mình để tập trung tư duy sâu, bạn cũng đừng quên tận
dụng hiệu ứng bảng trắng nếu có cơ hội. Khi làm việc với người khác về
một vấn đề nào đó, cả hai bên đều có thể thúc đẩy lẫn nhau để hướng tới
mức độ chuyên sâu hơn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn so với
khi làm việc một mình.
Nói cách khác, hãy cân nhắc tới việc hợp tác với ai đó khi làm việc sâu nếu
có cơ hội để nâng kết quả của bạn lên một tầm cao mới. Đồng thời, đừng
quá đề cao việc tìm kiếm sự tương tác và tính ngẫu nhiên tích cực tới mức
chỉ chăm chăm vào việc tập trung không gián đoạn, mà hãy cố gắng chắt
lọc những thứ hữu ích từ các ý tưởng xung quanh chúng ta.
Các nguyên tắc thực thi
Đây là câu chuyện đã trở thành huyền thoại trong giới tư vấn kinh doanh.
Vào giữa những năm 1990, Giáo sư Clayton Christensen thuộc trường Kinh
doanh Harvard đã nhận được cuộc gọi từ Andy Grove, CEO kiêm Chủ tịch
của Intel. Grove đã xem qua nghiên cứu của Christensen về đổi mới mang
tính đột phá và đề nghị ông bay tới California để thảo luận về ý nghĩa của
học thuyết này đối với Intel. Khi đến nơi, Christensen điểm qua vài nét cơ