thể khiến các đối tượng có tâm trạng tốt được, nhưng rốt cuộc họ vẫn kết
thúc các nhiệm vụ một cách tốt đẹp.)
Quan trọng là chúng ta đã thấy được tác động của ART vượt ra ngoài lợi
ích của thiên nhiên. Cơ chế cốt lõi của lý thuyết này nằm ở chỗ bạn có thể
khôi phục khả năng điều hướng sự chú ý của mình nếu tạm dừng hoạt động
để nghỉ ngơi. Đi bộ giữa thiên nhiên luôn mang đến tinh thần đó, nhưng
vẫn còn rất nhiều hoạt động thư giãn khác dành cho bạn, miễn là chúng
mang lại những “kích thích hấp dẫn vốn có” tương tự và không phải điều
hướng sự tập trung. Trò chuyện tếu táo với bạn bè, nghe nhạc trong khi chế
biến bữa tối, chơi với các con, chạy bộ... sẽ giúp bạn hồi phục sự chú ý
tương tự như khi đi dạo giữa thiên nhiên vậy.
Mặt khác, nếu tiếp tục làm gián đoạn buổi tối của mình bằng việc kiểm tra
và trả lời e-mail, hoặc dành vài giờ sau bữa tối để tranh thủ làm việc cho
kịp thời hạn, thì bạn chính là người đang kiểm soát trung tâm của sự chú ý
trực tiếp. Ngay cả khi những hoạt động này chỉ tốn chút thời gian, chúng
cũng sẽ cản trở bạn đạt đến mức độ thư giãn sâu hơn nhằm phục hồi sự chú
ý. Chỉ khi tự tin rằng mình đã hoàn thành công việc cho đến tận hôm sau,
lúc đó bạn mới có thể thuyết phục não bộ tạm thời nghỉ ngơi để bắt đầu nạp
năng lượng cho ngày mới. Nói cách khác, cố gắng tham lam xử lý nhiều
việc hơn một chút vào buổi tối có thể khiến bạn giảm hiệu quả làm việc vào
ngày hôm sau, do đó, bạn sẽ không thể hoàn thành được nhiều việc như khi
bạn tôn trọng việc nghỉ ngơi.
Lý do số 3: Công việc mà thời gian rảnh rỗi buổi tối có thể thay thế
được thường không quan trọng
Tranh luận cuối cùng về việc duy trì điểm kết thúc rõ ràng cho một ngày
làm việc đòi hỏi chúng ta phải hiểu qua một chút về Anders Ericsson, cha
đẻ của thuyết thực hành có chủ đích. Hãy nhớ lại Phần 1, thực hành có chủ
đích là cố gắng phát huy khả năng với một kỹ năng nhất định theo cách có
hệ thống. Đây là hoạt động cần thiết giúp bạn giỏi hơn trong lĩnh vực nào