hiệu quả. Khi nhận thấy mình có dấu hiệu suy nghĩ vòng vo, hãy chuyển
hướng sự chú ý sang bước tiếp theo.
Gợi ý số 2: Cấu trúc tư duy sâu
“Tư duy sâu” về một vấn đề có vẻ là một hoạt động hiển nhiên, nhưng thực
ra không phải vậy. Khi đối mặt với một tâm trí không sao lãng, một vấn đề
khó khăn và có thời gian để suy nghĩ, các bước tiếp theo có thể trở nên rối
rắm đến không ngờ. Theo tôi, việc xây dựng cấu trúc cho quá trình tư duy
sâu này sẽ mang lại hiệu quả. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc xem
xét toàn bộ các biến có liên quan để giải quyết vấn đề, sau đó ghi nhớ các
giá trị này trong đầu. Ví dụ, nếu bạn đang phác thảo dàn ý cho một chương
sách, các biến có liên quan có thể là những điểm chính bạn muốn triển khai
trong chương. Nếu bạn đang giải một bài toán, các biến này có thể là các
biến, các giả định hoặc các bổ đề thực sự. Khi đã làm rõ được các biến có
liên quan, hãy xác định câu hỏi cụ thể cho bước tiếp theo mà bạn cần trả lời
bằng cách sử dụng các biến. Trong ví dụ về chương sách, câu hỏi này có
thể là: “Làm thế nào để tôi mở đầu chương này một cách hiệu quả?” và câu
hỏi thể hiện bằng chứng có thể là: “Tôi có thể vấp phải sai lầm nào nếu
không đoán được ý nghĩa của bằng chứng này?” Với các biến thể có liên
quan trong đầu cùng việc xác định được các câu hỏi cho bước tiếp theo, giờ
đây, bạn đã có một mục tiêu cụ thể cho tâm trí rồi.
Giả sử, bạn đã giải quyết xong câu hỏi cho bước tiếp theo, bước cuối cùng
của phương pháp có cấu trúc để tư duy sâu là củng cố thành quả bằng cách
xem kỹ lại câu trả lời đã xác định. Lúc này, bạn có thể chuyển sang cấp độ
tư duy sâu hơn bằng cách bắt đầu lại quá trình. Quá trình này bao gồm việc
xem xét và ghi nhớ các biến, xác định và giải quyết câu hỏi cho bước tiếp
theo, sau đó củng cố thành quả giống như một thói quen tập luyện cường
độ cao cho khả năng tập trung. Việc này sẽ giúp bạn khai thác tối đa hiệu
quả các buổi suy ngẫm và đẩy nhanh tốc độ cải thiện khả năng tư duy sâu.
Ghi nhớ một bộ bài