Chỉ trong vòng năm phút, Daniel Kilov có thể ghi nhớ bất kỳ điều nào sau
đây: một bộ bài bị xáo trộn, một chuỗi gồm 100 chữ số ngẫu nhiên, hoặc
115 hình trừu tượng (anh đã lập kỷ lục tại Australia với điều cuối cùng). Do
đó, không hề ngạc nhiên khi gần đây, Kilov đã giành được huy chương bạc
trong giải vô địch trí nhớ của Australia. Dựa theo thành tích của Kilov, có
lẽ điều ngạc nhiên nằm ở chỗ anh phải rèn luyện mới có được trí lực đó.
Kilov chia sẻ với tôi rằng: “Tôi không phải là người sinh ra đã sở hữu trí
nhớ xuất chúng.” Thật vậy, thời trung học, anh cho rằng mình là người hay
quên và vô tổ chức. Anh cũng phải vật lộn với việc học hành và được chẩn
đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ
với Tansel Ali, một trong những nhà vô địch cuộc thi trí nhớ thành công
nhất tại Australia, Kilov bắt đầu nghiêm túc rèn luyện trí nhớ của mình.
Thời điểm tốt nghiệp đại học cũng là lúc anh giành được huy chương cấp
quốc gia đầu tiên.
Công cuộc chuyển đổi thành một vận động viên trí lực đẳng cấp thế giới
của anh tuy diễn ra khá nhanh chóng, nhưng không phải là chưa từng có
tiền lệ. Năm 2006, tác giả khoa học người Mỹ Joshua Foer đã chiến thắng
cuộc thi Quán quân Trí nhớ của Mỹ chỉ sau một năm rèn luyện (với cường
độ cao) – một cuộc hành trình được anh ghi chép lại trong cuốn sách bán
chạy nhất năm 2011 có tiêu đề Moonwalking with Einstein (tạm dịch: Dạo
bước trên mặt trăng cùng Einstein). Nhưng điểm đặc biệt ấn tượng với
chúng ta trong câu chuyện về Kilov nằm ở thành tích học tập mà anh đạt
được trong giai đoạn phát triển trí nhớ chuyên sâu này. Khi rèn luyện trí óc,
từ một sinh viên mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, chật vật với việc
học, anh đã tốt nghiệp loại ưu ở một trường đại học có yêu cầu cao tại
Australia. Kilov sớm được nhận vào chương trình tiến sĩ tại một trong
những trường đại học hàng đầu của Australia, nơi anh hiện đang được một
triết gia nổi tiếng hướng dẫn nghiên cứu.