danh tiếng của ông có thể đảm bảo rằng ông sẽ có được sự chú ý rộng khắp
trên các kênh truyền thông có sức ảnh hưởng lớn nếu cuốn sách thực sự
hay. Do đó, ông tập trung hơn vào mục tiêu viết cuốn sách hay hết sức có
thể thay vì cố gắng lôi kéo những con số bán hàng thông qua các phương
tiện không hiệu quả. Nói cách khác, câu hỏi đặt ra không phải là liệu
Twitter có mang lại lợi ích đáng kể nào đó cho Lewis hay không; mà phải
là liệu Twitter có gây ảnh hưởng đáng kể và tích cực đến các hoạt động
quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông hay không.
Thế còn một tác giả kém nổi tiếng hơn thì sao? Trong trường hợp này,
quảng cáo sách có thể đóng vai trò thiết yếu hơn trong mục tiêu của họ.
Nhưng khi buộc phải xác định hai hoặc ba hoạt động quan trọng nhất hỗ trợ
cho mục tiêu này, thì kiểu quan hệ hời hợt giữa cá nhân với cá nhân mà
Twitter mang lại cũng không phải là lựa chọn được đưa vào danh sách của
họ. Đây là kết quả của một phép toán đơn giản. Giả sử, tác giả của chúng ta
gửi 10 tweet cá nhân một ngày, năm ngày một tuần – mỗi lần tác giả đó sẽ
kết nối được với một độc giả tiềm năng mới. Giờ đây, hãy tưởng tượng
rằng 50% số người được kết nối theo cách này sẽ trở thành người hâm mộ
trung thành chắc chắn mua cuốn sách tiếp theo của tác giả. Trong khoảng
thời gian hai năm cần thiết để viết sách, hành động của anh ta tạo ra 2.000
đơn hàng – một con số quá khiêm tốn trên thị trường, nơi mà doanh số bán
hàng phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba mỗi tuần mới được coi là bán chạy. Một
lần nữa, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Twitter có mang lại một vài lợi
ích hay không mà là liệu nó có cung cấp đủ lợi ích để bù đắp cho thời gian
và sự chú ý (hai tài nguyên đặc biệt có giá trị đối với một tác giả) phải bỏ ra
hay không.
Chúng ta đã xem xét ví dụ về cách tiếp cận này trong bối cảnh công việc.
Giờ hãy tiếp tục xem xét nó trong bối cảnh mục tiêu cá nhân. Cụ thể, hãy
áp dụng cách tiếp cận này đối với một trong những công cụ được bảo mật
phổ biến nhất trong văn hóa ngày nay: Facebook.