khoa học máy tính trẻ tuổi mà tôi gọi là “Tom”. Trong bài đăng vào mùa
đông năm 2014, anh đã ghi ra lịch trình 12 tiếng tại văn phòng của mình
trong một ngày gần đây. Lịch trình này gồm năm cuộc họp khác nhau và ba
tiếng làm những công việc “hành chính”, trong đó anh “giải quyết các e-
mail, điền các biểu mẫu văn thư, tổ chức các ghi chú cuộc họp, lập kế
hoạch cho các cuộc họp sắp tới”. Theo ước tính, anh chỉ dành một tiếng
rưỡi trong tổng số 12 tiếng ngồi trong văn phòng để giải quyết công việc
“thực sự”, những công việc mà anh định nghĩa là những nỗ lực nhằm “hoàn
thành một nghiên cứu”. Không có gì ngạc nhiên khi Tom buộc phải làm
việc ngoài ngày làm việc tiêu chuẩn. Anh đã kết luận trong một bài đăng
khác rằng: “Tôi phải chấp nhận làm việc vào cuối tuần. Có giảng viên nào
thoát được chuyện này đâu.”
Tuy nhiên, tôi thì lại có thể. Dù tôi không làm việc khuya và hiếm khi làm
việc vào cuối tuần, nhưng từ khi chuyển đến Georgetown vào mùa thu năm
2011 và bắt đầu viết chương này vào mùa thu năm 2014, tôi đã cho ra mắt
khoảng 20 bài báo được hội đồng chuyên gia trong lĩnh vực bình duyệt. Tôi
cũng giành được hai khoản tài trợ cạnh tranh, xuất bản một cuốn sách
(không liên quan đến học thuật) và sắp hoàn thành một cuốn sách khác
(cuốn sách bạn đang cầm trên tay lúc này). Tôi đã làm được tất cả những
điều đó trong khi nhiều nhân vật Tom khác trong xã hội đang phải vật lộn
với các lịch trình dày đặc đầy áp lực.
Nghịch lý này là sao đây? Chúng ta có thể tìm ra một câu trả lời hấp dẫn
trong một bài báo nổi tiếng được Radhika Nagpal, Giáo sư Khoa học Máy
tính tại Đại học Harvard, công bố. Nagpal mở đầu bài viết bằng tuyên bố
rằng nhiều giáo sư tự gây căng thẳng cho bản thân: “Những ngộ nhận và số
liệu đáng sợ đã bủa vây cuộc sống của một giảng viên khi người này được
biên chế tại một trường đại học ‘R1’ [chuyên nghiên cứu]”, trước khi tiếp
tục giải thích về việc cuối cùng cô đã quyết định bước ra khỏi “những gì
người ta thường nói” và thay vào đó, “đã làm điều cụ thể một cách có chủ ý
để giữ gìn hạnh phúc của mình” bằng cách nào. Nỗ lực có chủ đích này đã