Lý do thứ hai về việc văn hóa kết nối khiến cuộc sống thêm phần dễ dàng
hơn nằm ở chỗ nó tạo ra một môi trường mà trong đó, việc dành cả ngày để
xử lý hộp thư đến được chấp nhận – việc sốt sắng phản hồi e-mail mới nhất
trong khi những e-mail khác vẫn chất đống đằng sau khiến quá trình này
mang lại cảm giác thỏa mãn về năng suất (và sẽ còn tiếp tục). Nếu tạm bỏ
qua số e-mail kia, bạn sẽ buộc phải triển khai cách tiếp cận thấu đáo hơn để
nghiệm ra mình phải làm gì và làm trong bao lâu. Việc lên kế hoạch này
khá khó khăn. Hãy thử xem xét phương pháp quản lý tác vụ trong cuốn
Getting Things Done (Hoàn thành mọi việc không hề khó)
Allen chẳng hạn. Đó là một hệ thống đáng nể nhằm quản lý một cách thông
minh sự tuân thủ trong môi trường làm việc đầy tính cạnh tranh. Hệ thống
này đề xuất một biểu đồ tiến trình gồm 15 yếu tố để đưa ra quyết định về
việc làm gì tiếp theo. Chỉ đơn giản chọn lấy một e-mail gửi kèm mới nhất
hẳn sẽ dễ dàng hơn đáng kể.
21
Sách đã được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2010.
(BTV)
Tôi đang chọn kết nối liên tục làm nghiên cứu tình huống trong thảo luận
này, nhưng đó chỉ là một trong số nhiều ví dụ về hành vi kinh doanh đi
ngược lại với chiều sâu và có khả năng làm giảm giá trị cốt lõi do công ty
tạo ra, song vẫn được phát triển mạnh bởi nếu thiếu vắng các số liệu đo
lường, hầu hết mọi người sẽ quay lại với những điều dễ làm nhất.
Một ví dụ khác, hãy xem xét thực tế vốn nhan nhản về việc tổ chức các
cuộc họp thường xuyên cho các dự án. Các cuộc họp này thường có xu
hướng chồng chất và làm gián đoạn những kế hoạch liên quan, khiến việc
tập trung liên tục suốt cả ngày trở nên bất khả thi. Nhưng tại sao chúng vẫn
trường tồn với thời gian? Là vì chúng dễ dàng hơn. Đối với nhiều người,
những cuộc họp thường trực này đã trở thành một hình thức tổ chức cá
nhân đơn giản (mà đần độn). Thay vì cố gắng tự quản lý thời gian và nghĩa
vụ của mình, họ lại để những cuộc họp đó thúc ép bản thân thực hiện hành