cảm giác như tôi, chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói". Nhiều khi ta tưởng
như tình của Ngọc nồng nàn nhất là với các loài hoa, thậm chí còn hơn tình
của Ngọc với Lan và Hữu; để tang cuộc tình suốt mấy năm trời, Ngọc đặt
trước ảnh họ lọ hoa để thờ, và những câu văn đẹp nhất trong Lan Hữu là
dành cho hoa: "Dưới trăng, các cây hoa hiện ra trước mắt tôi như những
mặt bạn thân, vắng mấy ngày mới lại gặp", hoặc khi gặp lại Hữu trên Phú
Thọ: "Dưới ánh trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành
bóng lá xuống đầy sân. Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện
ở giữa cảnh vườn xuân".
Mối sầu tình của Ngọc trong Lan Hữu cũng có yếu tố họ hàng như cuộc
tình duyên bi lụy của Hồng Lâu Mộng. Hoa và tình, nhưng cũng thêm cả
mộng nữa: ít có tiểu thuyết Việt Nam nào tả mộng nhiều và hay như Lan
Hữu. Về sau, cuộc tình không còn là thực nữa, chỉ là mộng mà thôi: "Trong
mộng, tôi với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc
của họ càng thêm rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây". Lan Hữu
"viết lại" Hồng Lâu Mộng theo một cách thức chưa từng có, không khỏi
làm ta liên hệ tới những gì mà Nguyễn Du từng làm với Kiều.
Và tất nhiên, trước hết, Lan Hữu cần được đọc cho chính nó, với chính nó.
Câu chuyện của Lan Hữu rất ý vị và không hề đơn giản. Nó lại được viết
một cách hết sức chín chắn, bởi con mắt hồi cố của một người đã trải đời
nhìn lại tuổi hoa niên thơ mộng. Ngọc không phải là Đạm Thủy của Tố
Tâm, vì Ngọc ý thức rất rõ sự phi lý của tình duyên, thậm chí đến cả tính
chất vớ vẩn của những mối tình thơ trẻ. Nhưng vẫn có đó nỗi ngậm ngùi
khôn nguôi: "Tuy trong khi yêu ấy tôi đă tốn bao nước mắt, bao tiếng thở
dài, cùng chịu bao mối cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại
vẫn là một năm có hạnh phúc"; hạnh phúc ở tuổi mười sáu là điều được
Nhượng Tống nêu lên ngay từ đầu Lan Hữu, và sẽ được lặp lại nhiều lần
trong suốt tác phẩm. Khởi đi là nỗi bàng hoàng của tình yêu đầu đời, càng
bàng hoàng hơn vì nhận ra cùng một lúc mình yêu cả hai người con gái:
"Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc đời phiền phức vô cùng", và nảy sinh một khát
vọng rất trẻ con: "Người tôi yêu chẳng phải là người tri kỷ, mà người tri kỷ
lại chẳng phải là người tôi yêu! Tôi ước ao có thể hợp cả Lan lẫn Hữu làm