này không có chuyện! Có đêm nào là ngủ được đâu! Ở mãi cái nhà này, rồi
cũng đến chết mất thôi! Ngọc còn đợi bao giờ mới cứu Lan ra nữa?
Tôi thở dài, đem hết sức cương quyết bình sinh ra mà nói:
- Lan đừng nên trông mong ở Ngọc! Ngọc bây giờ là một đứa trong đám
mạt lưu xã hội, không có gì là tiền trình, là hy vọng cả. Cắm cúi suốt ngày
chỉ đủ nuôi được miệng, còn dám mong đâu có vợ, có con!
Mỗi câu nói của tôi, làm cho sắc mặt Lan nhợt nhạt thêm một phần. Mắt tôi
không chống nổi cặp mắt đổ lửa của Lan, nói chưa dứt, tôi đã phải nhìn
xuôi xuống đất. Yên lặng một lúc lâu, Lan mới cất tiếng lanh lảnh hỏi lại:
- Ngọc nói thế là ý thế nào? Hay bây giờ trong lòng Ngọc đã có người nào
khác?
Tôi cười nhạt:
- Lan thử nghĩ coi, trừ Lan ra, ai là người có địa vị của Lan, có học thức của
Lan, có nhan sắc của Lan mà lại yêu được một đứa sống không nhà ở, chết
không đất chôn như Ngọc? Ngọc nói thế là Ngọc nói tình thực. Ngọc nói
thế là Ngọc yêu Lan. Yêu Lan nên không nỡ trông thấy Lan khổ. Vì Lan lấy
Ngọc thì Lan sẽ khổ. Lan thử đặt mình vào địa vị Ngọc mà coi.
- Lan có phải là người sợ khổ đâu! Mà làm gì mà khổ? Lan là người, Lan
cũng làm được đủ nuôi thân chứ! Ngọc khinh Lan quá! Lan có phải là hạng
mong lấy chồng để nhờ chồng đâu?
- Đành vậy, nhưng Lan bảo Ngọc làm thế nào? Cũng phải đợi năm, ba năm
để Ngọc xoay xở xem ra làm sao, chứ bây giờ lấy địa vị Ngọc mà hỏi Lan,
khi nào mợ gả! Mà mợ gả nữa, lấy gì làm tiền cưới?
- Không, mợ cũng là người biết. Xem ý mợ cũng yêu quý Ngọc lắm. Có cái
gì ăn, mợ cũng nhắc đến Ngọc, sai người đem cho Ngọc. Mợ sai chúng nó
đem lại đấy, chứ không phải Lan đâu! Mợ nửa đời ở với cậu, đã biết hạnh
phúc không phải ở chỗ làm bà Đốc bà Tham. Nếu Ngọc ngỏ lời hỏi thì thế
nào mợ cũng bằng lòng. Mà mợ bằng lòng thì mợ có lạ gì Ngọc không có
tiền cưới. Cái ấy không ngại.