- Con năm nay đã hai mươi tuổi. Mẹ cũng nghĩ cần phải lấy vợ cho con.
Thế nhưng đám nào chứ đám ấy thì mẹ không thể chiều con được! Người ta
lấy vợ là cốt hòng sinh con đẻ cái! Nhưng thế nào là "phúc đức tại mẫu":
Đứa mẹ có phúc đức thì đứa con mới mong ra giống người. Như con Hữu,
kể ra cũng ngoan ngoãn mà người cũng xinh. Nhưng mà chú Hường con thì
quá lắm, con ạ! Con xem cách chú ấy xử sự ở làng đấy: Đình, chú ấy bắt
dân phá đi làm quán chợ! Chùa, chú ấy bắt dân dỡ đi xây trường học! Một
người bạo thiên, ngược địa, khinh thần, mạn thánh như thế, rồi con cháu,
phải trả nợ: "Đời cha ăn mặn, đời con mới khát!" "Cha mẹ có hiền lành,
mới để được đức cho con!" Nếu con lấy con Hữu, thì cái tội của chú ấy,
con, cháu về sau trả đến mấy đời cho xong? Nhà con được bao nhiêu phúc
đức?
Tôi giở hết tài hùng biện ra cũng không sao biện bạch được cho mẹ tôi tin
rằng việc phá đình, phá chùa của chú tôi là không có tội. Sau cùng tôi giở
đến giọng dỗi:
- Nếu mẹ không bằng lòng cho con, thì suốt đời con cũng không lấy ai cả.
Mẹ tôi cười nhạt:
- Cái ấy thì tùy con đấy! Chứ mẹ thì không sao chiều ý con được! Một
người nàng dâu trưởng, là một người phải trông nom việc giỗ, tết. Nếu con
lấy nó thì rồi có cúng, thầy con cũng không về nữa! Ngày trước thầy cũng
đã có nói với mẹ rằng: Thầy không thuận cho con lấy nó. Thầy đã không
thuận, thì cỗ bàn nó có làm ra, thầy cũng không thèm ăn đâu! Con bảo mẹ
chiều con mà bỏ chồng ăn "cháo thí lá đa" à?
Tôi không còn biết nói cách nào cho chuyển được lòng mẹ tôi. Tôi nằm lăn
ra mà khóc cho đến lúc mệt quá ngủ quên đi mất!
--------------------------------
Schopenhauer. (Chú thích của tác giả.)
Nhượng Tống đang nhắc đến khái niệm quan trọng trong triết học của Arthur Schopenhauer, hiện
nay được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên "ý chí tự do".
Bồn chồn, bứt rứt.