chuyện ấy, thầy tôi - tôi gọi cha tôi là thầy - lại nghiêm mặt bảo tôi: "Ấy
mày nghe đấy! Làm thế nào cho khỏi phụ tấm lòng ông cha kỳ vọng ở
mày!" Trời ơi! Tôi biết làm thế nào cho khỏi phụ tấm lòng ông cha tôi kỳ
vọng ở tôi?
Thiên hạ chỉ những kẻ yêu nhau mới thật là những kẻ làm khổ nhau. Ông
tôi yêu tôi, thế tất phải làm khổ tôi...
Năm tôi lên năm tuổi, ông tôi đã bắt tôi phải rời xa lòng mẹ, về ở với ông
tôi. Tôi còn nhớ khi ấy tôi khóc lăn lóc chạy theo mẹ tôi. Nhưng các chị con
bác tôi cố ôm tôi, bắt tôi trở lại. Giận quá, tôi đâm khùng, chửi cả các chị.
Nhưng các chị không giận, chỉ cười khúc khích và đem quà dỗ tôi. Mấy
ngày hôm sau, mỗi khi vắng, nhất là khi chiều tối, tôi lại sụt sịt khóc một
mình. Nhưng dần dà cũng không khóc nữa. Cho tôi chơi một tháng rồi, ông
tôi làm lễ vỡ lòng cho tôi.
Rồi vài, ba tháng sau, ông tôi mới bắt tôi "vào văn phép". Ông tôi giảng cho
tôi những thế nào là "đứng như núi"; thế nào là "ngồi như thần thi"... Từ đó,
trước mặt ông tôi, bao giờ tôi cũng phải làm phép "hãm mình"! Đứng,
không dám khèo chân nọ sang chân kia. Ngồi, phải xếp chân bằng tròn và
chắp tay lại... Còn bao nhiêu những điều phiền phức nữa! Cho bọn nhà nho
"câu thúc thân thể", các thánh Tàu đã bày ra "ba trăm uy nghi, ba nghìn lễ
nghi!" Lại vài ba năm sau, mỗi khi có khách, ông tôi lại gọi tôi lên cho họ
hạch về câu đối, về thơ ứng khẩu. Thực những lúc tôi đứng lượm tay cúi
đầu mà nghĩ "văn chương" ấy, tôi thấy khó chịu [...]
. Tôi còn nhớ một lần
ông tôi và một ông khách bắt gặp tôi đương bắc thang leo lên đầu nhà, thăm
một tổ chim di. Tôi vội vàng leo xuống, mặt tái mét. Hai ông bắt tôi phải
làm một bài thơ "tức sự". Tôi cắn nát mười đầu móng tay rồi đọc:
Một tổ chim di được bốn con
Chưa lông; chưa cánh hãy còn non.
Bao giờ cho nó ra ràng nhỉ?
Gắp chả mời ông nhắm rượu ngon!