hẹn nhau, song ai nấy đều như muốn để cho phần hồn, phần xác được một
lúc nghỉ ngơi thong thả. Sau cùng, Hữu đứng lên phá trước sự im lặng ấy.
Đi lại gần tôi, Hữu giòn giã nói:
- À anh! Anh làm thơ, đọc cho chúng tôi nghe với chứ!
Sâm nói tiếp:
- Mà phải đấy! Cả Lan nữa! Phong cảnh này nên thơ lắm còn gì! Giá tôi
biết làm thơ thì tôi làm có tá rồi! Chả cần phải ai giục.
- Lan cũng biết làm thơ à? - Hữu hỏi - Thế thì hai anh, chị làm thơ đi coi!
Tôi không rõ vẻ mặt Lan khi nghe câu nói đùa ấy thế nào. về phần tôi, tôi
rất là khó chịu. Tôi chép miệng thở dài mà không đáp. Trong lòng thì bồn
chồn, nghi hoặc! Tôi không dám chắc là Hữu yêu tôi nữa. Tôi tự hỏi: Có lý
gì là lý Hữu đã yêu tôi mà còn nói đùa như thế hay không? Thấy Lan và tôi
không đáp, Sâm rủ Hữu:
- Thôi, chúng ta đi vào xem ông sư tụng kinh "Bách danh". Để vắng vẻ,
người ta mới thơ thẩn được chứ!
Nói xong, Sâm cùng Hữu quay vào. Lan cũng bước theo. Còn tôi, những ý
nghĩ buồn rầu, chán nản đã cướp mất sức mạnh trong người tôi và những vẻ
đáng yêu của phong cảnh quanh mình. Tôi ngồi bệt ở cửa động như một
người hành khách mỏi mệt ngồi ở một xó rừng quạnh quẽ. Một lúc sau, tôi
rút mùi soa lau trán. Chợt chạm tay lên mái tóc, thấy sương đọng ướt đầm
và lạnh ngắt, tôi mới nhớ là trời đã khuya. Tôi vừa cất mùi soa vào túi thì
thấy hai bàn tay âm ấm bịt chặt lấy mắt tôi. Tôi thở dài:
- Hữu chứ còn ai nữa!
Hữu buông tôi ra. Vừa khúc khích cười, vừa lần xỏ chân vào đôi giày mà
Hữu đã trút ra cầm tay từ trước, rồi ngồi xuống bên tôi mà nói:
- Bác bảo gọi anh vào đi ngủ đấy. Ngồi mãi đây, đã được câu thơ, câu thẩn
nào chưa?
Tôi lạnh lùng đáp:
- Tôi buồn thì tôi ngồi đây, chứ thơ với thẩn gì!