10
Dưới ánh nắng ấm áp của một buổi sớm mùa đông, thần hoa như đã dụng
công tỉ mỉ mà nhuộm lên các màu chỉ sai nhau đôi chút của các giống hoa
đào...
Tôi cầm tờ Khai Hóa bước ra vườn. Mắt tôi trông các bông hoa đua nở, tay
tôi tôi xé cái băng quấn báo, mà lòng tôi thì nghĩ đến Lan. Tôi mong gặp
Lan ở trong vườn để cùng Lan từ biệt. Tôi tìm một chỗ kín mà ngồi, cốt sao
cho nếu có ai ở ngoài cửa vườn bước vào, thì tôi trông thấy họ mà họ không
trông thấy tôi. Tôi chọn cái đôn đặt ở sau một bụi hải đường. Tôi giở báo ra
đọc. Lòng tôi hớn hở khi tôi thấy văn tôi lần thứ nhất được đem lên đầu báo
và in bằng chữ lớn. Tôi còn nhớ cái đầu đề bài đại luận (!) ấy là: "Tết nhất
đã đến sau lưng!", một câu phong dao! Đại ý trong bài là phản đối tục ăn
Tết. Tôi viện ra đủ mọi thứ lý do, chỉ trừ ra một cái lý do thiết thân cho tôi
lúc ấy là: Vì có tục ăn Tết mà này đây tôi phải xa Hữu, xa Lan, để về nhà
quê làm một cái khổ dịch rất ít nghĩa lý trong suốt ba ngày chạy ngược,
chạy xuôi, lạy cho khắp tám mươi nhăm cái giường thờ đại tôn, tiểu tôn của
hai họ nội và họ ngoại! Vì cái khổ dịch ấy tôi sẽ đau cả hai đầu gối. Và, nếu
trời mưa, đường lội, tôi sẽ sứt cả mười đầu ngón chân. Tuy vậy, lúc tôi còn
nhỏ, nó đã làm vui cho tôi. Vui không phải là ở chỗ no đến cổ mà chốc chốc
lại bị người ta ép ăn nếm mấy miếng bánh, mấy miếng giò. Vui là ở chỗ
chốc chốc lại có người mừng tuổi cho tôi mấy đồng xu hay mấy đồng kẽm.
Đó là món tiền vốn cho tôi đánh Tam cúc. Món tiền ấy nếu không thua hết
trong tháng Giêng thì sang tháng Hai tôi sẽ mua mấy con gà con mà nhuộm
mỗi con một màu phẩm. Những con gà con ấy thay cho tôi những con yểng,
con khướu, con vẹt, con vàng anh mà tôi không đủ tiền mua... Nhưng khi ấy
thì tôi thấy việc đi lễ ông vải là ngại lắm rồi. Món tiền nhỏ mọn tôi được
không phụ công lên gối, xuống gối
của tôi. Vả chăng, tuổi tôi đã nhớn,
cũng không mấy người cho tiền nữa.
Tôi xem qua hết tờ báo mà Lan vẫn chưa ra. Tôi nhìn cảnh vật quanh mình,
tự nhiên thấy man mác nỗi buồn ly biệt. Mình tôi còn ngồi đấy mà tôi đã