như lòng mong của người bị cáo mong chóng đến ngày ra trước Tòa án: dù
thất vọng, biết rõ tình thế mình vẫn đỡ khổ hơn là không biết và nhân đó mà
ngày đêm phải phấp phỏng lo phiền.
Nhưng đêm ấy là đêm ba mươi, thầy tôi bận rất nhiều việc. Cho mãi đến
nửa đêm, cũng còn phải ra nhà thờ họ dự tế Giao thừa. Bởi vậy, đêm sau
thầy tôi mới nhắc lại việc nom mắt. Thầy tôi hỏi:
- Những đứa con đã nom, con không bằng lòng đứa nào cả phải không?
Tôi sẽ nói và nói thật nhanh:
- Thưa thầy, vâng. Nhưng con nghĩ thầy cũng không cần cho con đi nom
mắt đâu nữa. Thầy cứ hỏi Hữu nhà chú Hường cho con cũng được.
Nói xong, tôi nằm lặng nghe tiếng trống ngực tôi đập dồn mà đợi thầy tôi
trả lời. Thì giờ lúc ấy dài ra cho tôi cũng như cho một người mẹ đứng trong
phòng mổ mà chờ thầy thuốc mổ xong đứa con đau, khoảng thì giờ mà hy
vọng với tuyệt vọng chỉ cách nhau bằng sợi tóc. Thầy tôi nín lặng một lúc
rồi nói:
- Không được, con ạ! Kể ra con ấy cũng khá và tính cũng ngoan. Nhà chú
mày lại cũng nhà dòng dõi. Con bằng lòng cũng là phải. Nhưng hai bên còn
phải đóng giỗ, đóng Tết với nhau, họ còn gần lắm! Giá phỏng nhà chú mày
cũng như nhà ta thì không nói. Nhưng nhà chú mày thì có, mà nhà ta thì
nghèo. Lấy như thế, họ lại bảo thầy, mẹ tham giàu mà quên cả tổ tiên! Cái
tai tiếng ấy, con có chịu được không? Thầy thì thầy không chịu được!
Mấy câu nói của thầy tôi, làm cho tôi tưởng như tim tôi không còn đập nữa.
Tôi sẽ thở dài. Bao nhiêu mộng tưởng về cuộc đời hạnh phúc mà tôi mong
hưởng chung với Hữu đều theo tiếng thở dài ấy mà tan... Trong lúc bàng
hoàng tê tái, tôi chợt nghĩ đến Lan. Lòng tôi bỗng đâm liều như một người
đánh bạc khi đã thua cay nhưng vơ vét còn được ít tiền dính túi. Dù biết
đánh tất thua, người đánh bạc có cái liều đánh cho thua một thể. Dù biết nói
ra tất thất vọng, tôi có cái liều nói ra cho thất vọng đến cùng. Ánh đèn mờ
không soi rõ vẻ mặt nghiêm khắc của thầy tôi. Song tôi cũng nhắm mắt lại,
rồi cất giọng run run mà nói: