Tôi nhìn Lan thở dài. Tiếng thở dài ấy không phải dấu hiệu của một tấm
lòng buồn. Đã mấy tháng nay tôi nằm ngồi với tuyệt vọng. Lòng tôi đã tê
tái, không còn biết có gì là vui vậy. Đó là tiếng thở dài của một kẻ tuyệt
vọng khi thoáng thấy một tia hy vọng. Tôi có cái hy vọng xa Lan sẽ quên
được Lan. Không tìm được hạnh phúc trong sự yêu Lan, tôi đành mong
được yên nghỉ trong sự quên Lan vậy! Cố nhiên Lan dù xa, bên mình tôi
cũng vẫn còn có Hữu. Cố nhiên một mình Hữu cũng đủ làm cho tôi đau
đớn. Tôi biết vậy. Nhưng tôi mong quên Lan cũng như ai mang hai vết
thương, khi không khỏi được cả hai, hãy mong cho khỏi một. Tôi mong tôi
quên Lan, rồi tôi lại mong Lan không còn nhớ đến tôi. Tôi liền quyết ý đem
mối tuyệt vọng của tôi mà nói rõ cùng Lan. Tôi suy nghĩ xem nên cho Lan
biết theo cách nào. Trước hết, tôi định nhân khi từ biệt, tôi sẽ nói cho Lan
biết. Nhưng tôi sợ kết quả của cách ấy. Tôi không nỡ trông thấy Lan đau
đớn trong khi trái tim Lan một lúc phải chịu hai mũi tên "biệt ly" và "tuyệt
vọng"! Thế rồi tôi định cho Lan biết bằng thư, sau khi từ biệt. Nhưng tôi lại
ngại thư bị người nhà hay thầy giáo biết trước mà không đến tay Lan. Sau
cùng, tôi nghĩ được một cách tiện lợi hơn: tôi viết thư mà đưa tay cho Lan,
trước khi từ biệt. Tối hôm ấy tôi không xuống buồng học. Tôi đem bút giấy
về buồng ngủ mà viết thư. Tôi viết từ chập tối đến nửa đêm trước, sau sáu
bức, xong, khi đọc lại, tôi lại lần lượt xé đi tất cả. Tôi ném bút đứng dậy, đi
bách bộ ở trong phòng, nhất định nghĩ kỹ rồi mới viết chứ không nghĩ đến
đâu viết đến đấy như trước nữa. Thế rồi tôi viết một bức thư dài hết hai
trang giấy lớn. Trong thư nhiều đoạn rất giả dối. Song giả dối nhất là câu:
"Không được yêu Lan, đời tôi, tôi thề không dám yêu ai nữa!" Kỳ thực thì
ngoài Lan ra, tôi vẫn yêu Hữu. Vả chăng, nào có ai cấm tôi không được yêu
Lan! Tuy giả dối làm vậy, mà bức thư ấy, khi tôi đọc lại, cũng làm cho tôi
nước mắt chan hòa. Văn tôi đã làm cảm động tôi, cũng như giọng nói,
giọng hát của một người đóng trò làm cảm động họ ở trên sân khấu. Tôi cố
tình để cho nước mắt tôi nhỏ vào lòe loẹt cả thư, để cho Lan biết thư tôi
thực là "hòa lệ mà viết". Tôi còn ngồi trước bức thư để đợi cho khô nước
mắt, thì Lan đã đẩy cửa buồng mà bước vào, vịn vai tôi, cầm lấy thư xem.
Tôi luống cuống đứng dậy, nhường ghế cho Lan. Không biết Lan đọc có hết
hay không, mà mấy phút sau đã thấy nức nở gục đầu vào bức thư. Tôi van,