13
Bấy giờ là một buổi sáng trong vụ nghỉ hè.
Tôi đương ngồi ăn cơm với chú, thím tôi cùng các em thì có người nhà đến
tìm. Người ấy chào cả nhà rồi nói với tôi:
- Bẩm cậu, mời cậu về ngay; ông ở nhà ngặt lắm!
Tôi giật nảy mình, buông đũa bát đứng dậy rồi thu xếp ra về. Dọc đường,
bao nhiêu lần tôi hỏi người đày tớ về bệnh trạng thầy tôi. Tuy hắn đã đáp
rồi mà chốc chốc tôi lại hỏi lại. Khi tôi về đến nhà thì trời đã chiều. Những
tiếng tràng, tiếng đục của bọn thợ mộc đóng quan tài như đập thẳng vào
tim, óc tôi cho tan ra từng mảnh vụn! Vào trong nhà, tôi thấy thầy tôi đương
ngồi ở trong giường, tựa mình vào mấy cái chăn gấp vuông lại và để chồng
lên nhau. Tuy đầu thầy tôi đã cạo trọc và người gầy yếu hơn trước nhiều
song cửa vẫn mở, màn vẫn vắt một bên, quang cảnh trong nhà coi không ra
quang cảnh chỗ nằm của người Việt Nam sắp chết.
Tôi vào chào thầy tôi, rồi ngồi vào chiếc ghế đặt ở trước giường mà hỏi
thăm về bệnh trạng. Thầy tôi cười, cất giọng mỏi mệt đáp:
- Bệnh thầy thì hỏng rồi, con ạ! Đã hai hôm nay đại, tiểu tiện bí cả. Chốc
chốc lại lên cơn đau bụng. Con trông đây: chân, tay lại hơi phù. Ăn uống
cái gì vào là thổ ra ngay. Các thầy lang bó tay chịu cả. Kìa! sao lại khóc?
Thầy đã chết đâu mà khóc? Mà khóc có ích gì đâu, con!...
Tuy sợ thầy tôi thật, song tôi lau nước mắt đi nó lại tràn ra. Kỳ thực thì sự
trông thấy một người thân đương vào tay thần Chết lôi đi, mà mình chịu bó
tay ngồi nhìn, vốn là một cảnh không mấy người nín được khóc, dù biết
khóc là vô ích. Hai chị tôi ngồi ở cạnh thầy tôi, thấy tôi khóc cũng khóc nức
nở. Thầy tôi gắt:
- Ô hay! Những quân này lạ chứ! Chúng mày định làm tội bố chúng mày
đến lúc chết à? Trông thấy chúng mày khóc, tao khó chịu vô cùng! Tao chịu