con thì vào túi quan Huyện chứ không đến phần nhà ta.
- Thế thì làm thế nào bây giờ? Lấy gì trả nợ người ta? Lấy gì cho con đi
học? Lấy gì nuôi các em nay, mai cũng có đứa phải đi học trường tỉnh? Mẹ
ở nhà nuôi con lợn, con gà, làm cái vải cái giấy cố công tần tảo, nuôi chúng
nó đủ ngày hai bữa, kiếm cho nó đủ bút, giấy đi học trường làng, thế cũng
đã là khó lắm rồi!
Mẹ tôi vừa nói, vừa nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Tôi nhìn mẹ tôi, trong lòng cay đắng muôn vàn. Ai là kẻ làm con, đã cầm
lòng đậu trước những giọt lệ thương tâm của mẹ? Tôi ngồi lặng đi một lúc
lâu, rồi khảng khái mà nói:
- Thưa mẹ, con xin mẹ đừng nghĩ gì nữa! Con đã có cách! Con sẽ bỏ học.
Con sẽ đi kiếm việc làm. Có việc làm là có tiền trả nợ, có tiền nuôi được
các em...
- Nhưng thế thì khổ thân con quá! Năm nay con mới có mười bảy tuổi đầu!
- Con cũng biết mẹ thương con lắm, nhưng làm thế nào được!
Nói thế rồi, tôi cũng khóc. Tôi khóc cho cái đời trí thức của tôi!
Một lúc sau, mẹ tôi lục đưa cho tôi hai bức thư: Tôi nhìn ngoài phong bì thì
là thư của Hữu viết cho tôi vào hồi tháng Chín tháng Mười năm ấy. Tôi mở
ra đọc. Bức thứ nhất Hữu cho tôi biết chú tôi sắp sửa dời nhà lên Phú Thọ,
vì mới mở đồn điền ở đấy. Bức thứ hai, Hữu cho tôi biết địa chỉ mới. Bức
thứ nhất có kèm thư của Lan gửi về nhà chú tôi cho tôi, báo tin ông thân
sinh bị mệt nặng. Xem xong, tôi hối hận về sự tôi đã ngờ oan họ. Vì thư họ
gửi cho tôi, chính vào độ tôi gửi thư cho họ. Nhưng thư họ đến nơi, còn thư
tôi thì lạc. Thư cho Hữu lạc vì cớ chú tôi đổi chỗ ở. Còn thư cho Lan lạc,
chắc cũng vì một cớ giống như thế. Họ không được thư tôi, tự nhiên không
biết địa chỉ mới của tôi ở Hà Nội để viết thư cho tôi nữa. Thần ngẫu nhiên
đã cắt dịp
cầu ân ái, chứ chẳng phải là họ đã quên tôi. Thế nhưng tôi lại
nghĩ: Dù bấy giờ họ chưa quên, nhưng bây giờ chắc họ quên rồi. Mà họ
chẳng quên tôi nữa, tôi cũng nên quên họ. Tôi nên quên họ cũng như tôi nên