Trán chú nhíu lại. Như bầy chim vô lo kia, chú ta cũng không hay biết sự
đời. Tại sao lại có bao nhiêu điều bí ẩn như vậy? Bởi vì theo ông chủ ra
kinh đô, chú nghĩ rằng lẽ thường chú phải biết được những hiểm nguy gì có
thể xảy ra qua cuộc triệu hồi này của triều đình. Với những câu hỏi chú
dám nêu lên, bà đáp lại bằng sự im lặng tuyệt đối miệng kín như bình. "Hãy
dồn mọi sự chăm sóc để hầu hạ ông chủ nghe!" Đó là những lời nói sau
cùng của bà. Mà rồi chuyện của thằng cha lái thuyền ngu xuẩn đã làm chú
quên đĩ thật không dễ gì dung hoà được việc làm tròn nhiệm vụ của nó với
nỗi thèm khát rong chơi.
Đến khi biết chắc là ông chủ đã ngồi yên sau buồng lái, chú vào gian phía
trong trải chiếu và sửa soạn bữa ăn nhẹ.
- Ông chủ, cơm đã dọn!
Chú nhắc thật to, không chú ý đến cách nói cộc lốc của mình. Mặc kệ!
Không quan trọng gì, phận sự của chú là buộc ông chủ phải ăn nhiều và
ngủ tốt kia mà.
Lê Hữu Trác giật mình.
- Ông chủ, trời tối rồi.
Khi đứng lên ông hơi run dù đã bận chiếc áo kép. Trời đã chuyển về đêm
mà ông không hay biết, một đêm xuân trong lành và mát dịu, cây cối hai
bên bờ ngập trong sương mù. Những ngọn đèn con trên các thuyền câu vẫn
chiếu sáng trong đêm lạnh hệt như những đôi mắt hổ đang rình mồi. Chiếc
thuyền lớn của quan đầu tỉnh, đèn lồng đàng trước đàng sau dưới ánh trăng
bao la và lạnh lùng đánh thức bầy chó các làng ven bờ thuyền đi qua. Ông
không thể cầm được tiếng thở dài.
Trong khoang thuyền, không khí mát mẻ. Những chiếc đèn treo trên trần
toả ra những vòng tròn di động nhẹ nhàng đung đưa từ khoang này sang
khoang khác. Ngay giữa sàn, trên chiếc chiếu, kê giữa những đồ vật lắc lư
theo thuyền là một ấm đun trà đang bốc hơi, bên cạnh là những hộp trầu,
ấm điếu, hồ rượu được trưng bày rất đẹp mắt. Bà Tuyết thật có lý khi thấy