Trong nỗi lo lắng nếu có nhiều người bệnh đến nữa thì ra đi sẽ chậm trễ,
ông liền kê gấp những đơn thuốc cho em bé về bệnh tiêu hoá, bồi dưỡng
cho dạ dày rồi nói Soạn báo cho viên quan hộ tống là ông đã sẵn sàng đi
ngay và cùng đoàn người lên đường.
Đã sang ngày thứ hai mươi ba của tháng này và còn ba trăm bốn mươi lý
nữa mới đến kinh đô.
Vừa ra khỏi làng, Soạn khùng lên đuổi theo cáng của cụ:
- Ông chủ! Ông chủ! Ông quan hộ tống báo cụ biết ông sẽ gặp cụ tối nay ở
làng Hoàng Mai vì phải ở lại đây lo nhiều công chuyện.
- Được, chẳng sao. cần quái gì mà cháu phải la to như vậy? chẳng phải là
việc quan trọng lắm đâu! – ông vừa nói vừa lườm chú đang như một chú
chó ngớ ngẩn trong nhà có tang.
Mồm Soạn há hốc. A, chả việc gì quan trọng sao khi một quan hộ tống lại
không đi hộ tống? Ông ta nói phải ở lại đây để lo liệu những công vụ mật
quốc gia trong cái xó nhà quê tối om này à! Và cụ cũng không thấy có gì
khác thường trong việc này cả sao? Trong đời, bất kỳ một người nào biết
suy nghĩ lẽ ra đều ngạc nhiên và lo lắng cho việc trên, thế mà thay cho điều
đó cụ lại hình như thích thú thưởng ngoạn phong cảnh một cách nhàn nhã
như thế này? Chú đưa mắt lơ đễnh nhìn về rặng núi phía tây có nhiều đỉnh
nhọn lởm chởm đan xen những chòm mây bạc và lúc này chú hoàn toàn bị
nỗi lo âu xâm chiếm. Nếu ông chủ không quan tâm lắm đến số phận của
chính mình thì chắc là do cụ đã luống tuổi và cho rằng mình đã sống quá
nhiều rồi, còn với nó, thằng Soạn này, phải chăng cụ chẳng quan tâm đến
sau khi thu nhận nó về nhà nuôi nấng và dạy dỗ nên người? Với ý nghĩ đó,
trên chiều dài con đường xinh đẹp này lẽ ra chú phải thích thú đi qua với
bàn tay trìu mến của người cha trên vai mình nhưng sao chú lại cảm thấy
lòng mình nặng trĩu như đeo đá vậy. Cho đến lúc này chỉ có ông chủ là
người duy nhất thương hại và trìu mến chú. Ngoài ông chủ ra, chú không