hang trong vỉa đá ngầm. Cách đấy độ vài tấc, run run trong chiếc áo choàng
nhà binh phế thải và rũ người trên sợi đai buộc, là một người đàn ông to lớn
với một chòm râu và những chiếc răng vàng. Cánh cửa ngăn cách giữa ông
ta và tôi bị phủ sương mù. Tôi gọi ông ta mở cánh cửa ra, nhưng ông ta
không có vẻ như nghe tôi nói. Ông ta chỉ ngồi nguyên ở đấy, chìm khuất
dần dần bên dưới tấm cửa kính mù sương, tạt mưa, trong lúc tôi cứ gào to
cho đến khản tiếng. Rồi cảnh sát đến nơi với những súng ống, và một chiếc
xe cứu hoả chạy đến. Một người cao to đỡ tôi xuống và đưa cho tôi một cốc
Milo còn nóng mà dù có cố gắng đến mấy tôi cũng không thể nào uống
được.
Cũng trong đêm ấy, cha tôi đưa tôi vào Angelus để dự cuộc họp mặt nhà
trường. Mặc dù tôi đã nói với Queenie Cookson là tôi thực sự không muốn
đi đâu nữa, nhưng mẹ tôi nhất định buộc tôi phải đến đó vì cô ta, để cho cô
ta khỏi thấy xấu hổ vì bị thất hẹn. Thế nên tôi đi, khoác trên người một
chiếc áo cộc vàng và một chiếc quần nhung sọc ống loe, còn cha tôi thì giết
thời giờ mấy tiếng đồng hồ bằng cách câu cá skippy ở ngoài khơi cầu tàu
thành phố.
Trên đường xe chạy, dù là ở khúc quanh với mưa tạt mạnh trên kính
chắn gió và với cỏ cây tơi tả, chúng tôi cũng chẳng ai nói một lời nào. Khi
đến sân vận động nhà trường ở Angelus, tôi lí nhí cám ơn chuyến đi rồi lủi
vào trong.
Bên trong nhà, một nhóm người của thành phố đang hát những bài của
The Sweet và Status Quo. Ánh sáng lờ mờ, âm nhạc và cái cảnh tất cả bạn
học của tôi đều khoác những bộ trang phục đẹp nhất khiến cho mọi thứ có
vẻ như là không thật. Tôi thấy như mình không thích hợp với nơi này. Hội
trường thăm thẳm sực nức đủ loại dầu thơm. Quá nhiều lấp lánh và phấn
son cho nên người nào trông cũng như người lạ, và tôi phải mất mười phút
mới nhận ra Queenie đằng kia, bên cạnh các bậc cầu thang tầng dưới.