Chị chỉ cái nhà lầu hình bát giác trong tận cùng ngõ, từ đây đến
đấy phải một trăm mét. Xa như vậy mà anh ta có thể nghe thấy
tiếng chúng tôi nói chuyện, làm gì có người như thế? Máy nghe
CR-60 của Mĩ còn kém xa.
Chợt tôi cảm thấy vô cùng bí ẩn.
Từ đường là nới biểu tượng cho sự giàu có và cổ xưa của làng
Lục Gia Yến, mái cong, diềm tường và cột còn khắc long li quy
phượng, hổ phù sư tử bởi những người duy mĩ thời xưa khắc,
đến nay đã trải qua bao thăng trầm. Chỗ nào cũng trông thấy tì
vết, không khó để hình dung từ rất lâu rồi, ngôi từ đường này
không được sửa chữa. Nhưng trông nó vẫn bề thế, không hề có
cảm giác bị hư hỏng, có điều nhiều người nhàn rỗi, có phần
phức tạp tụ tập tại đây. Người nhàn rỗi chủ yếu là các ông già,
phụ nữ bế con, có cả người tàn tật. Xem ra chỗ này đã trở thành
nơi công cộng cho những người nhàn rỗi tụ tập.
Tôi đi đi lại lại trước từ đường một lúc, sau đấy mới bước vào
trong sân. Có hai nhóm đang chơi tam cúc, một loại bài dân gian
rất thịnh hành ở miền Nam, một nhóm khác đang chơi cờ
tướng. Tuy tôi ăn mặc đơn giản, nói tiếng Thượng Hải, nhưng
sự xuất hiện của tôi cũng khiến người xung quanh phải chú ý.
Tôi đi vòng quanh, lén nhìn, chỉ mong nhận ra Bỉnh trong đó.
Nhưng không có cảm giác gì. Một đứa trẻ chừng mười một,
mười hai tuổi, tay băng bó, nó phát hiện tay tôi đeo đồng hồ, rất
hiếu kì bám theo để nhìn. Tôi tháo cái đồng hồ đưa cho nó xem,
xem xong, tôi hỏi nó, anh Bỉnh có ở đây không? Nó bảo có, ở nhà
ngang ngoài kia, nói xong nó đưa tôi đi ra, vừa đi vừa tò mò hỏi
tôi:
“Chú tìm anh Bỉnh làm gì?”
“Nghe nói anh ấy rất thính tai, phải không?”