hành động, tháng 7 mẹ cô trở thành “Tần Thời Quang” của
Trịnh Giới Dân. Tháng 8 mẹ cô tổ chức hôn lễ rất lớn với Dương
Phong Mậu. Có thể nói cả thành phố Nam Kinh lúc bấy giờ
không ai không biết đám cưới ấy, đám cưới long trọng như một
chiến dịch. Theo một ý nghĩa nào đấy, nó cũng là một chiến
dịch.
Tôi không dự hôn lễ của mẹ cô, vì không đủ tư cách. Nhưng đọc
trên báo, tôi biết Dương Phong Mậu là một nhân vật tiếng tăm
trong giới thương gia, một triệu phú, có biệt thự sang trọng ở
Thủy Tây Môn. Mẹ cô về đấy ở, lập nên trung tâm đầu não của tổ
chức chúng tôi, mọi tin tức tình báo đều tập trung cả về đấy, rồi
biến thành chữ, biến thành sóng điện, truyền đi khắp nơi.
Về sau, trong vũ hội, tôi nhiều lần được gặp Dương Phong Mậu,
trong ấn tượng của tôi, anh ta là con người ngạo mạn, để râu
quai nón, hoặc vờ như con người ngạo mạn, người cao, mặt
vuông chữ điền, mặc đồ Tây, tóc chải bóng mượt, miệng ngậm
xì gà, vẻ lạnh lùng, hiên ngang, vừa có phong độ của một trí
thức, lại có chất thô bạo của một thủy thủ. Một hôm, mẹ cô giới
thiệu cho tôi làm quen, tôi với anh ta nói chuyện, nói đến
chuyện Cộng sản có nên chấp nhận đàm phán hòa bình hay
không, ý kiến của anh là kiến giải của người Mĩ thời đó, cho rằng
Cộng sản chấp nhận hoà đàm là thông minh.
Anh ta ba hoa: “Cộng sản chỉ có hai khẩu đại bác và ba khẩu
súng bắn chim, họ đã nhiều lần đánh bại chúng tôi trong mơ,
nhưng hiện thực thì không bao giờ. Nhân lúc thế giới phản đối
chiến tranh, chấp nhận hòa đàm, chia nhau cai trị, theo tôi đấy
là tặng phẩm của Thượng đế ban cho họ”.
Đấy là lập luận của báo chí thời đó.