mới về. Ông già trông coi vườn dâu là anh em với mẹ Bỉnh, tối
nào ông cũng chuẩn bị cho Bỉnh một bó củi dâu để cậu đưa về
nhà. Đấy là củi cho hai mẹ con Bỉnh nấu nướng, mà cũng là công
việc duy nhất cậu con trai làm được cho mẹ. Hôm ấy, Bỉnh bị tôi
gọi về, cậu vội vã quên cả đưa củi dâu về cho mẹ. Một tiếng đồng
hồ sau, Bỉnh cùng tôi lên thuyền, khi thuyền vừa rời bến, Bỉnh
như chợt nhớ ra điều gì, hớt hải ngước lên bến, gọi to:
“Mẹ, hôm nay con quên, quên... quên đưa củi về, làm... làm thế
nào?!”. Thuyền vừa rời bến, tôi vẫn còn kịp lấy ra hai chục đồng,
nhét vào bao thuốc, ném lên bờ. Bỉnh biết tôi làm gì rồi, cậu ta
cảm động rơi nước mắt, nói với tôi: “Anh là người tốt!”
Sự việc ấy khiến tôi tin rằng Bỉnh không phải là người ngớ ngẩn,
chẳng qua chỉ khác người mà thôi.
Hôm ấy có đến mấy chục người trong làng, trai có gái có, già có,
trẻ có, ra bến sông tiễn Bỉnh và tôi. Khi mọi người thấy chiếc
thuyền đi mỗi lúc một xa mới tin rằng tôi không phải là kẻ lừa
dối, mà thật sự đưa Bỉnh đi (đi bồi dưỡng thành người chỉnh âm
thanh). Tôi nghĩ, họ cho rằng tôi cũng ngớ ngẩn như Bỉnh. Nếu
không cũng là người xấu. Trong làng, người già vẫn nói, lấy
xương của người bệnh đem sấy khô, nghiền thành bột, làm
thuốc sẽ chữa được người cùng bệnh. Nói khác đi, lấy xương của
Bỉnh làm thuốc, có thể chữa cho người ngớ ngẩn thành người
thông minh. Tôi có thể là người như thế, một người xấu định lấy
xương Bỉnh để làm thuốc. Nếu không, tôi có đủ lí do giống như
Bỉnh, cũng là một người ngớ ngẩn.
Nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ, bà con dân làng Lục Gia Yến
không thể ngờ được rằng, Bỉnh sẽ trở thành một đại anh hùng
chấn động trời đất.