Nói chung, tay viết không nhanh bằng tai nghe, vừa ghi, vừa
nhớ những chữ số nghe nhưng chưa kịp ghi, ghi vào bụng, kĩ
thuật ấy người trong nghề gọi là “áp mã”. Với hai điện báo viên
trình độ tương đương, trong khi thi, nói cho cùng là thi kĩ thuật
áp mã, ai áp được nhiều người ấy sẽ thắng. Tôi nhớ, “Lâm thần
tướng” đã áp được sáu nhóm mã trong một lần thi toàn quân,
bây giờ Bỉnh áp được tám nhóm mã. Tuy tốc độ không giống
nhau, hai bên không như nhau, nhưng chúng ta không khó
hình dung, Bỉnh đã thành thạo tín hiệu moóc đến mức nào.
Thậm chí, có băng ghi âm mẫu phẩm của hơn năm mươi đài
địch, cậu ta không cần phải nghe đi nghe lại, chỉ nghe hai băng,
cậu ta đã phân biệt rõ ràng đặc tính chung và đặc điểm riêng
trong đó. Tóm lại, tuy mới qua một nửa thời gian nhưng Bỉnh đã
hoàn thành xuất sắc nội dung huấn luyện, hoàn thành đến độ
mĩ mãn. Mĩ mãn tới mức người ta tưởng là giả.
Sau một tiếng đồng hồ, tôi đưa Bỉnh vào khuôn viên cơ quan
lãnh đạo đơn vị, đến toà nhà Cục Chính trị, để Bỉnh tiến hành
nghi thức tuyên thệ gia nhập đơn vị đặc biệt 701. Nghi thức rất
trang trọng, đối với Bỉnh điều này hết sức thần bí, đứng trước
những “yêu cầu” và “phải” không tính đến sống chết, Bỉnh
tưởng như mình sắp lao vào chiến trận lửa khói mịt mùng, cậu
ta một nửa kích động, một nửa hoang mang, hoang mang và
kích động đến cao độ. Cuối cùng, ông Trưởng phòng Cán bộ phụ
trách tuyên thệ hỏi Bỉnh có yêu cầu gì đối với tổ chức hay không,
Bỉnh “bi tráng” yêu cầu hai điểm:
Thứ nhất, nếu từ hôm nay cậu không được về nhà (Lục Gia Yến),
mong tổ chức giải quyết tốt chuyện củi đuốc của mẹ.
Thứ hai, nếu cậu ta chết (chết trên chiến trường), không ai được
phép cắt tai cậu ta để nghiên cứu.
Đúng là chuyện dở khóc dở cười.