Nhưng yêu cầu của người tình nguyện 701 đề xuất là một phần
nội dung trong nghi thức, tổ chức trịnh trọng cam kết và ghi
vào hồ sơ.
Nghi thức tuyên thệ kết thúc, có ba văn bản yêu cầu đương sự
phải kí tên, xét thấy Bỉnh không biết chữ, tổ chức bảo cậu điểm
chỉ, tên do tôi viết thay, lúc này tôi mới hỏi đến tên thật của cậu
ta, cậu ta trả lời: Không có.
“Tôi tên là Bỉnh”. Bỉnh nói: “Tôi không có tên gì khác”.
Nhưng tôi biết, Bỉnh không phải là tên cậu ta, gọi Bỉnh là bởi có
một anh mù nổi tiếng tên là Bỉnh, anh mù kéo nhị nghe như
khóc, anh mù để lại bản nhạc “Ánh trăng Nhị tuyền” nổi tiếng.
Vì có cái tên ấy, cho nên Bỉnh là tên chung của những người mù,
chứ không thể là tên riêng của người nào.
Khỏi phải nói, đây lại là một chuyện khóc dở cười dở. Cuối cùng,
căn cứ họ Lục của mẹ và quê cậu ta là Lục Gia Yến, chúng tôi
tạm thời đặt cho cậu cái tên Lục Gia Bỉnh và ghi ngay vào ba văn
bản để báo cáo lên cấp trên, đồng thời cho vào hồ sơ mật.
13
Hôm ấy, trời vừa rạng sáng, tôi đưa Bỉnh vào trong khuôn viên
Cục Thám thính có tường cao hào sâu. Hai bên cổng vào có hai
tấm biển một lớn một nhỏ, trên đó ghi rõ:
Phòng nghiên cứu vũ khí lục quân số...
Khu quân sự, không nhiệm vụ cấm vào.