mình, ít nhất với nhóm điều tra là như vậy. Bốn tuần sau, một thợ xây
tìm thấy hộ chiếu của ông gần sân bay Bangkok.
Một loạt bằng chứng cho thấy ông vẫn chưa rời Thái Lan. Cảnh sát
lục tung danh sách hành khách của tất cả các chuyến bay rời Bangkok.
Tên ông không xuất hiện. Vài thanh tra suy luận ông xoay xở được hộ
chiếu giả ở Thái Lan, sau đó bay đi nơi khác bằng tên giả. Một số tiếp
viên hãng hàng không Thai Airways khai báo đã thấy ông: người đầu
tiên bảo ông ở trên chuyến bay đi London, người khác lại nói đi Paris,
thậm chí người thứ ba bảo điểm đến là Phnom Penh. Những manh mối
này chẳng dẫn tới đâu.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho biết cha tôi từ Myanmar đến
Hoa Kỳ bằng Visa du học vào năm 1942. Ông học luật ở New York và
trở thành công dân Mỹ năm 1959. Ông kê khai nơi sinh là Rangoon,
thủ đô thuộc địa của nước Anh một thời. Công cuộc điều tra của FBI
và lãnh sự quán Mỹ ở Rangoon đều xôi hỏng bỏng không. Họ Win quá
phổ biến ở Myanmar, thêm nữa, chẳng ai biết gì về gia đình cha tôi.
Phải chăng trong đời luôn có một bước ngoặt đầy táo bạo, khi thế
giới thân thuộc của ta không còn nữa. Giây phút ấy biến ta thành một
kẻ hoàn toàn khác chỉ trong vỏn vẹn một nhịp đập của trái tim.
Khoảnh khắc khi người ta yêu thú nhận chuyện gian dối và rời bỏ ta.
Cái ngày ta phải chôn cất cha, mẹ hoặc người bạn tri kỉ. Bác sĩ thông
báo trong não ta có một khối u ác tính.
Hay những phút giây ấy chỉ đơn thuần là kết thúc đầy kịch tích của
cả quá trình dài, thứ đáng ra ta có thể biết trước nếu để tâm đến những
điềm báo thay vì nhắm mắt làm ngơ?
Và nếu những bước ngoặt đó có thật, khi chúng xảy ra, ta có ý thức
được chăng, hay phải rất lâu sau đó, ta mới muộn màng nhận ra sự đứt
quãng?
Những câu hỏi ấy, trước đây tôi chẳng buồn quan tâm, cũng không
có lời đáp. Dẫu sao, việc cha tôi mất tích cũng không thuộc loại đó.