họ dinh dính. Đôi chân đen sạm mảnh dẻ như sậy, cơ bắp căng lên
dưới sức nặng theo mỗi bước chân. Họ lầm lũi làm việc. Chỉ khi nhắm
mắt, khung cảnh mới khơi gợi xúc cảm trong cậu. Họ đang rên rỉ. Khẽ
nhưng khổ nhọc. Bụng sôi lên vì đói. Phổi đòi không khí. Tim kiệt sức
và mỏi mệt.
Vậy là, cậu vẫn giữ được thính giác đặc biệt của mình. Cậu sẽ xem
thị giác như phần phụ trợ. Nó sẽ vô hại chừng nào cậu còn nhớ lời dặn
của thầy U May.
Cậu xuống hạ nguồn rồi rẽ vào một cái ngõ. Ngột ngạt không tả nổi.
Không gió cảng cũng chẳng thoáng đãng như phố của người Âu. Nhà
chen chúc, đa số bằng gỗ, cửa sổ mở toang. Cậu cảm giác như vừa
xuống hầm ngầm của thành phố. Dơ dáy, chật chội, ồn ào. Sực mùi mồ
hôi và nước tiểu. Cống rãnh đầy hoa quả thối, đồ ăn thừa, rác rến và
giấy báo. Nơi nào cũng thấy người ngồi ghế đẩu, những băng ghế xếp
kín vỉa hè hẹp. Nhiều cái lấn xuống đường. Dãy tiệm vỏn vẹn một
tầng chồng chất hàng hóa cao tới nóc: vải vóc, trà, thảo mộc, rau, mì
và trên hết là gạo. Tin Win không ngờ chúng phong phú đến thế, mỗi
loại có bọc riêng. Mọi người cười nói bằng thứ tiếng cậu không hiểu.
Nhiều người nhìn cậu chòng chọc như thể cậu là kẻ không mời.
Tin Win lưỡng lự tính quay đi. Cậu bèn nhắm mắt. Cậu không nghe
thấy chút đe dọa nào trong những âm thanh. Mỡ xèo trong bếp. Các cô
nhồi bột, thái thịt, xắt rau. Trên tầng, trẻ con cười đùa, ỏm tỏi. Giọng
nói trên đường không hề gây hấn.
Cả tim họ cũng thế.
Cậu cứ đi, lắng nghe âm thanh, cảm nhận mùi hương, ngắm nhìn
khung cảnh, đặt mọi thứ vào đúng chỗ, gói những ấn tượng lại rồi cất
đi để sau này sẻ chia cùng Mi Mi.
Cậu lang thang từ phố Tàu sang phố Ấn. Người dân cao lớn, da
ngăm hơn, nhưng không khí vẫn tù đọng, đường phố đông đúc chẳng
kém. Một phòng khác trong căn hầm. Mùi thức ăn quen thuộc hơn. Cà
ri. Gừng. Lá chanh. Ớt chuông. Người ta lướt qua nhưng không để ý