“Tôi thường thắc mắc đâu là nguồn gốc của vẻ đẹp ấy, sự tỏa sáng
ấy. Chiếc mũi, màu da, bờ môi hay đôi mắt không làm ta đẹp hay xấu.
Vậy thì là gì? Cô là phụ nữ, có thể nói tôi hay?”
Tôi lắc đầu.
“Julia ạ, đó là tình yêu. Yêu thương làm ta rạng ngời. Cô có biết kẻ
nào yêu và được yêu, một cách vô điều kiện mà lại xấu xí không?
Chẳng cần nghĩ làm gì. Bởi không ai như thế cả.” Ông rót trà rồi nhấp
một ngụm.
“Tôi nghĩ ngày ấy, không chàng trai nào ở Kalaw này không muốn
rước Mi Mi về làm vợ. Tôi không nói quá đâu. Sau chiến tranh, bao
người từ khắp nẻo bang Shan đến hỏi cưới bà, có người còn lặn lội từ
Rangoon hay Mandalay về. Tiếng tăm về sắc đẹp tuyệt trần của bà
vang xa như vậy đấy. Họ mang theo bao sính lễ, vàng bạc châu báu,
gấm vóc lụa là, những thứ sau này Mi Mi đem phân phát cho người
trong làng. Bà từ chối mọi lời cầu hôn. Sau đó cũng vậy, dẫu Tin Win
đã rời xa mười, hai mươi rồi ba mươi năm.
“Mi Mi sống trong căn nhà cha mẹ để lại với vài người bà con. Bà
trông nom gia súc gia cầm: đàn gà, cặp heo, con trâu già còm cõi cùng
con chó. Bà chẳng mấy khi rời nhà. Chiều chiều, bà ngồi trên hiên vấn
cheroot, khẽ khàng lắc lư, mắt nhắm nghiền. Đôi môi bà mấp máy tựa
hồ đang kể chuyện. Bất cứ ai hưởng đặc ân ngắm nhìn bà khi ấy sẽ
không bao giờ quên nét duyên dáng đầy thanh nhã trong từng chuyển
động.
“Quả thật cheroot bà vấn có hương vị không lẫn vào đâu được.
Chúng ngọt hơn, để lại vị vani nơi đầu lưỡi. Vài năm sau độc lập, tin
đồn nổi lên rằng xì gà của bà không chỉ ngon tuyệt vời, chúng sở hữu
cả năng lực siêu nhiên. Chắc cô chẳng còn lạ gì, Julia nhỉ. Cô đã thấy
người Myanmar chúng tôi mê tín thế nào rồi đấy.
“Tối nọ, một người đàn ông góa vợ hút cheroot của bà. Đêm đến, cô
vợ đã mất hiện lên chúc phúc cho đám cưới của anh với con gái nhà
hàng xóm mà anh này thầm thương bấy lâu. Trước nay, cô gái kia luôn