Cha con tôi đang đứng trên cầu Brooklyn ở New York. Tôi tầm tám,
chín tuổi. Ấy là một ngày thu gió se se báo hiệu cái lạnh đầu đông. Ăn
mặc phong phanh nên tôi cóng cả người. Cha choàng áo khoác của
ông lên vai tôi. Tay áo dài thoòng. Như bơi trong áo nhưng tôi ấm hẳn.
Qua khe hở trên những thanh sắt dưới chân, tôi thấy vô vàn tia nắng
nhảy múa trên mặt sông Đông tít bên dưới. Liệu cha có thể cứu tôi nếu
giờ đột nhiên cầu gãy? Tôi ước lượng khoảng cách đến bờ. Cha tôi bơi
rất giỏi, tôi không nghi ngờ gì. Chẳng biết bao lần cha con tôi cứ đứng
đó như thế. Thường là trong im lặng.
Cha tôi yêu những phần của New York mà chỉ khách du lịch mới có
hứng thú. Những chiếc phà Circle Line chạy quanh Manhattan. Tòa
nhà Empire State. Tượng Nữ thần Tự do cùng mấy cây cầu. Như thể
cha chỉ đang ghé qua nơi này. Hớp hồn cha nhất phải kể đến bến phà
Staten Island Ferry. Thỉnh thoảng, sau ngày dài làm việc, ông lại tản
bộ xuống cầu tàu chỉ để đi một chuyến tàu rồi vào lại.
Tôi nhớ lần nọ, chúng tôi đứng chỗ lan can phà, ngay trên dàn xe
hơi, cha nói ông không cảm nhận được bến cảng và đường chân trời
của thành phố đã đổi khác nhường nào. Nhắm mắt lại, ông vẫn thấy
hình ảnh buổi sáng rét cóng tháng Giêng năm 1942, gió buốt đến độ
chẳng ai đứng nổi trên boong tàu ngoại trừ ông.
Lúc ấy, tôi chẳng thể hiểu nổi, ông tìm kiếm điều gì ở những nơi
dân New York chẳng bao giờ bén mảng trừ khi có khách phương xa
đến. Về sau, tôi chán. Mười mấy tuổi đầu, cứ bám đuôi cha thì thật
xấu hổ nên tôi thôi đi cùng ông. Giờ ngẫm lại, tôi chợt hiểu, giữa dòng
khách du lịch, ông mới tìm được khoảng cách ông cần giữa bản thân
và thành phố nơi ông chẳng thuộc về. Nơi chỉ còn ông và niềm mong
nhớ. Phải chăng ở đó, ông gần với Mi Mi nhất? Ông thấy mình rời
New York trên tàu hay bằng máy bay? Ông đã mơ về nó chăng?
U Ba và tôi lần theo đường mòn cho trâu để lên dốc. Chiều dần
buông. Lửa bập bùng cháy trước vài căn chòi, gió đưa làn khói bảng