lảng khắp sân. Giờ tôi đã quen với mùi gỗ cháy khi đêm về.
Tôi không biết mình đang đi đâu. U Ba bảo chỉ có thể kể nốt câu
chuyện ở một nơi duy nhất. Ông đứng dậy, cho bình thủy và cốc nước
vào túi, xếp ghế rồi ra hiệu cho tôi đi theo. Nhìn đồng hồ xong, ông
bước chậm lại. Như thể chúng tôi có hẹn mà đến sớm quá.
Tôi bồn chồn.
“Chẳng còn mấy điều tôi có thể kể cho cô,” U Ba lên tiếng, dừng
chân lại chốc lát. “Cô biết nhiều hơn tôi về khoảng thời gian cha cô ở
Mỹ.”
Và nó lại trồi lên, câu hỏi tôi đè nén suốt hai ngày qua: Thực sự thì,
tôi biết gì kia chứ?
Phải, tôi có kỉ niệm, những kỉ niệm đẹp tươi và êm đềm mà tôi trân
quý vô cùng, nhưng chúng được tích sự gì trong việc thấu hiểu cha?
Đó chỉ là thế giới qua đôi mắt trẻ thơ. Chúng không thể trả lời câu hỏi
thường trực trong đầu tôi. Tại sao cha không trở về Kalaw sau chiến
tranh?
Tại sao ông cưới mẹ tôi? Ông có yêu bà không? Ông phản bội mẹ
tôi do có Mi Mi hay phản bội Mi Mi do có mẹ tôi?
“U Ba, tại sao học luật xong cha tôi vẫn ở lại New York?” Tôi giật
mình trước giọng điệu của bản thân. Đó là giọng mẹ tôi những lúc cố
kiềm cơn nóng giận.
“Theo cô thì sao, Julia?”
Tôi chẳng muốn giả định gì thêm nữa. Tôi cần câu trả lời. Cần sự
thật. “Tôi không biết.”
“Cha cô còn lựa chọn nào ư? Nếu trở về Myanmar, ông sẽ phải răm
ráp nghe theo lời chú. Vì cha cô mắc nợ ông ta. U Saw đã giành được
vai trò người cha, mà phận làm con chẳng ai cãi lời phụ mẫu. Chờ đợi
ông nơi Rangoon này không phải Mi Mi mà là cuộc đời vạch sẵn. Vợ
trẻ. Công ty to. Muốn tránh né thì New York là cơ hội duy nhất.” Ông
nhìn tôi như muốn xem xem có thuyết phục được tôi không. “Năm
mươi năm trước cô à. Nước tôi thủ cựu lắm, xưa hay nay cũng vậy.”