động. Ngay cả biểu hiện hạnh phúc hay mãn nguyện cũng chưa từng
rõ rệt. Nụ cười mỉm thoáng qua là toàn bộ biểu cảm của ông.
Chồng bà không phải loại ù lì lười biếng. Ngược lại, ông chăm chỉ
làm lụng nhất làng, từ sáng sớm tinh mơ khi thiên hạ còn êm giấc, ông
đã ra đồng cày sâu cuốc bẫm. Đối với ông, cuộc đời như con sông
bình lặng mà dòng chảy chừng như đã định trước. Cố công bẻ ngoặt
cũng chỉ chuốc lấy thất bại. Khin Maung hay lam hay làm nhưng
không tham vọng, hiếu kì nhưng chẳng hỏi han, hạnh phúc nhưng
không hân hoan rạng ngời.
“Bẩm thầy,” Mya Mya nghe chồng mình khẽ khàng cất tiếng sau
một hồi im lặng, “chúng con đến xin được phép thỉnh thầy.”
Thầy gật đầu.
“Con trai chúng con sinh ra vào thứ Bảy ba tuần trước, kính nhờ
thầy xem liệu có tai ương rình rập thằng bé chăng.”
Thầy cầm phấn và phiến đá nhỏ, hỏi ngày giờ sinh chính xác.
“Ngày mùng 3 tháng Mười hai, 11 giờ 40 phút sáng,” Khin Maung
đáp.
Thầy bói viết số vào những ô nhỏ và bắt đầu tính toán. Thầy viết
thêm số và kí tự, gạch bớt vài số, vẽ hình tròn và hình bán nguyệt trên
nhiều đường kẻ như thể đang viết nhạc.
Sau vài phút, thầy đặt phiến đá xuống, ngẩng đầu và chăm chú nhìn
Mya Mya cùng Khin Maung. Nụ cười tắt ngúm trên khuôn mặt.
“Đứa trẻ này sẽ mang lại đau khổ cho cha mẹ,” thầy phán. “Đau
khổ tận tâm can.”
Mya Mya cảm thấy mình đang chìm xuống đầm lầy. Thứ gì đó kéo
bà xuống, chẳng có ai giúp bà, cũng chẳng có gì để níu lại. Không một
bàn tay. Không một cành cây. Bà nghe thấy giọng nói của thầy và của
chồng nhưng bà chẳng còn hiểu hai người đang nói gì nữa. Âm thanh
như nghẹt lại và xa xôi, tựa hồ ở một căn phòng khác, một kiếp người
khác. Đau khổ tận tâm can. Đau khổ tận tâm can.