Anh đã xây biệt thự này để an hưởng tuổi già, khổ nỗi ông ta không
bao giờ trở lại sau vụ săn hổ tổ chức hai tuần sau ngày về hưu.
Bà góa bán ngôi nhà cho chú của Khin Maung, ông trùm buôn gạo
ở Rangoon dư uy tín và thừa của cải. Vốn là một trong số ít những
người tìm được chỗ đứng trong thị trường đã bị người Ấn thâu tóm,
ông thuộc nhóm người Myanmar giàu nứt đố đổ vách. Biệt thự chẳng
đem lại cho ông giá trị thực tế nào. Suốt sáu năm sở hữu, ông còn
chưa tới đó một lần. Nó chỉ là minh chứng cho sự giàu có của ông, là
biểu tượng của địa vị, là thứ vốn được tính toán để gây ấn tượng với
đối tác làm ăn ở thủ đô. Nhiệm vụ của Mya Mya và Khin Maung là
coi sóc ngôi nhà và giữ nó trong trạng thái chủ nhân có thể đến bất cứ
khi nào. Từ lúc sinh con ra, Mya Mya dồn hết tâm sức vào công việc
này. Bà lau sàn gỗ hằng ngày, như thể phải biến chúng thành gương
soi mới chịu. Sáng ra, bà quét bụi ngăn kệ, tối đến, bà lại quét lần nữa,
dù chưa thấy có hạt bụi nào rớt xuống trong mười hai tiếng ấy. Bà lau
cửa sổ hằng tuần và cắt cỏ bằng kéo, bởi như vậy kĩ hơn so với dùng
máy cắt. Bà giữ cho giàn hoa giấy không rậm rịt và tận tâm chăm sóc
luống hoa.
Giữa lúc đứng trong bếp bào cà rốt, Mya Mya trông thấy hai viên
cảnh sát đi lên đồi. Hôm ấy là một ngày tháng Mười hai lạnh lẽo, trời
trong, Mya Mya thì đang vắt chân lên cổ. Bà đã tốn quá nhiều thời
gian chà sàn tầng hai, giờ bà lo lắng không biết có kịp dọn dẹp nhà
bếp trong chiều nay chăng. Rủi sáng mai ông chủ về mà thấy dinh thự
không sạch sẽ tinh tươm, mọi công sức suốt những năm qua sẽ đổ
sông đổ bể vì ông chủ ắt nghĩ rằng trước giờ Mya Mya không gìn giữ
cơ ngơi này đàng hoàng. Một lần bất tín vạn lần bất tin, bà nghĩ, ánh
mắt hướng xuống thung lũng.
Hai viên sĩ quan trong bộ đồng phục xanh lên đồi nhưng không đi
con đường mà xe bò và vài chiếc ô tô họa hoằn vẫn đi. Thay vào đó,
họ men theo lối mòn nhỏ hẹp ngoằn ngoèo đâm ngang rừng thông rồi