Cảnh sát đi rồi, bà quay người tìm con trai. Tin Win ngồi sau nhà
chơi một mình. Cạnh cậu bé là một đống quả thông. Cậu đang cố ném
chúng vào cái lỗ cậu đào cách đó chừng vài mét. Hầu hết đều bị ném
quá tay.
Mya Mya muốn gọi con lại để báo tin cha nó mất. Nhưng sao chứ?
Nó biết cả rồi không chừng. Rốt cuộc, chính nó là kẻ đã mang đến tai
ương. Đây là lần đầu tiên bà thừa nhận mình đang đổ lỗi cho thằng bé.
Không phải chỉ là điềm gở theo lý số, vấn đề nằm ở Tin Win. Thằng
bé mang lại xui xẻo với mái tóc đen, đôi mắt bí hiểm khó dò mà bà
chẳng khi nào biết nó có đang nhìn mình hay không. Bà không đọc
được gì ở đôi mắt ấy. Thằng oắt con là kẻ đem đến tai ách này, gây ra
vận hạn này. Nó tạo nghiệp chướng trong khi những đứa trẻ khác đào
hang hay chơi trốn tìm.
Mya Mya muốn bỏ lại tất cả. Bà không muốn nhìn thấy đứa trẻ này
lần nào nữa.
Suốt ba mươi sáu tiếng tiếp theo, bà hành xử theo cách người ta
thường làm khi có duy nhất một mục tiêu trong trí óc. Ưu tiên cho nó.
Được nó thúc đẩy. Bà đóng vai góa phụ than khóc chồng, tiếp đón
hàng xóm bằng hữu đến phúng viếng, tổ chức mai táng vào ngày hôm
sau, đứng cạnh huyệt chồng nhìn người ta hạ linh cữu xuống.
Sáng hôm sau, bà sắp vài món đồ - dăm ba chiếc áo và váy longyi,
đôi xăng đan dự phòng, lược, kẹp tóc - vào cái túi cũ đựng bóng golf
mà chồng bà đem về từ chỗ làm. Tin Win chỉ im lặng đứng cạnh mẹ
và nhìn theo.
“Mẹ phải đi xa vài ngày,” bà nói mà không ngước lên.
Con trai không nói gì.
Bà rời khỏi nhà. Thằng con chạy theo. Bà quay người, cậu bé đứng
khựng lại.
“Mày không được đi theo,” bà tiếp.
“Khi nào mẹ về?” Cậu hỏi.
“Chóng thôi,” bà đáp.