còn nghi ngờ gì nữa. Đó là hình phạt cậu phải chịu, nhưng vì tội lỗi gì
thì cậu không rõ. Song dù thế nào, cậu mong thời hạn sẽ sớm qua đi.
Hi vọng ấy còn mãnh liệt hơn khi giờ đây, người ta đã đặt cha cậu,
cứng ngắc và lạnh lẽo, vào chiếc quan tài gỗ rồi chôn xuống huyệt sâu.
Nỗi nhớ mẹ cùng niềm mong ngóng tình thương của bà buộc cậu phải
cắn răng chịu đựng ngồi trên gốc cây, kiên nhẫn chờ đợi chấm đỏ phía
chân trời.
Ngày thứ ba, bác hàng xóm mang cho cậu nước với một tô cơm rau
và hỏi cậu có muốn đợi trong nhà bác không. Cậu lắc đầu nguây
nguẩy. Như thể nếu đi, cậu sẽ lỡ mất mẹ. Cậu không đụng vào đồ ăn.
Cậu muốn để dành cho mẹ, muốn hai mẹ con cùng ăn khi mẹ cậu trở
về. Hẳn bà đã đói lắm sau một chuyến đi dài.
Ngày thứ tư, cậu nhấp ngụm nước.
Ngày thứ năm, Su Kyi, chị gái bác hàng xóm đến, mang theo một
ấm trà, cơm và chuối. Lo cho mẹ nên cậu cũng chẳng buồn ăn. Không
lâu nữa đâu. Chóng thôi, mẹ cậu đã bảo thế.
Ngày thứ sáu, cậu chẳng nhìn rõ hàng cây nữa. Khu rừng cứ nhòe đi
như có nước trong mắt cậu. Quang cảnh tựa tấm vải đung đưa trong
gió, điểm vài chấm đỏ li ti. Chúng tiến lại gần cậu rồi to lên, nhưng
không phải áo khoác mà là những quả bóng đỏ lao vun vút về phía
cậu. Chúng vụt bên trái, bên phải và qua đầu cậu, gần đến mức cậu
cảm nhận được luồng gió rít. Những quả khác bay thẳng vào cậu
nhưng đều mất đà khi chỉ còn vài mét và rớt thẳng xuống đất, cách
mặt cậu mấy phân.
Ngày thứ bảy, cậu ngồi thu lu một chỗ, không cựa quậy. Lúc Su Kyi
bắt gặp, bà cứ tưởng cậu đã chết. Người cậu lạnh ngắt và trắng bệch.
Hôm ấy là một ngày tháng Giêng rét buốt, sương muối đã phủ ướt
đẫm bãi cỏ phía trước nhà. Mặt cậu hóp lại, thân thể tựa cái vỏ rỗng
hay bọc kén vô hồn. Đến khi lại gần bà mới thấy cậu vẫn còn thở, lồng
ngực phẳng phiu phập phồng dưới lần áo, như con cá bà mua ngoài
chợ đang thoi thóp trong gian bếp.