Bà Su Kyi không nhớ nổi lần đầu tiên bà phát hiện ra là khi nào. Có
phải sáng hôm bà đứng trước cửa nhà không nhỉ? Tin Win đang đứng
bên hàng rào. Bà gọi, cậu bé nhìn xung quanh, quay tới quay lui như
đang tìm kiếm bà. Hay sau đó vài bữa, khi hai bác cháu ngồi trên
thanh gỗ gần bếp dùng cơm tối. Bà chỉ một chú chim sà xuống trước
mặt, cách họ dăm ba mét trên bãi cỏ.
“Đâu ạ?” Cậu hỏi.
“Kia kìa, cạnh tảng đá đấy.”
“Ồ,” cậu nói, gật đầu về một hướng khác.
Dường như cậu bé luôn đi những lối quen thuộc trong sân, trong
nhà, trong những bãi cỏ và ruộng đồng gần đấy. Nếu chệch khỏi lộ
trình quen thuộc là y như rằng cậu lại vấp phải nhành cây hay sỏi đá.
Khi bà đưa bát hay cốc, cậu sẽ vươn tay ra, lần mò trong một khắc mà
đối với bà như cả thiên thu. Cậu khẽ nheo mắt khi phải nhìn vật gì
cách xa vài mét, y như nhìn qua lớp sương mù dày đặc bao phủ khắp
thung lũng buổi sớm mai.
Ngay cả bản thân Tin Win cũng không biết tình trạng này bắt đầu từ
khi nào. Không phải núi non và những đám mây phía chân trời vẫn
luôn mịt mờ như thế sao?
Tình trạng ngày càng tồi tệ sau khi mẹ cậu biến mất. Có lúc đứng từ
sân, cậu còn chẳng nhìn được tới khu rừng. Những đường mảnh sậm
màu của hàng cây tụ lại, nhòe nhoẹt thành biển màu xanh nâu xa xăm.
Một màn sương xám dần dần bao phủ thầy cô ở trường. Tuy giọng họ
rành rọt như thể đang đứng ngay bên cạnh nhưng cậu lại không thấy
được dáng hình, giống y như hàng cây, ruộng đồng, nhà cửa, hay Su
Kyi khi bà đứng cách cậu vài sải tay.
Thế là Tin Win học cách không để ý đến vật thể và chi tiết nữa.
Thay vào đó, giờ cậu sống trong một thế giới cấu thành từ những
mảng màu. Lục là rừng, đỏ là nhà, lam là trời, nâu là đất, tím là hoa
giấy, đen là hàng rào quanh sân. Nhưng rồi cũng chẳng thể dựa vào
màu sắc nữa. Chúng dần nhạt phai, cuối cùng chỉ còn lại mảnh vải