“Ta mù ư? Quả thật, nhiều năm trước ta đã mất đi thị lực. Nhưng
không có nghĩa là ta mù lòa.” Thầy dừng lại rồi hỏi cậu, “Còn con thì
sao? Con có mù không?”
Tin Win suy nghĩ. “Con chỉ phân biệt được sáng tối thôi ạ.”
“Con có mũi để ngửi chứ?”
“Dạ có chứ.”
“Con có tay để sờ chứ?”
“Chắc chắn là có rồi ạ.”
“Con có tai để nghe chứ?”
“Có ạ.” Tin Win lưỡng lự. Cậu có nên kể với thầy U May không
nhỉ? Dù gì chuyện ấy cũng đã xảy ra cách đây mấy tuần. Đôi khi cậu
còn không dám chắc liệu có phải bản thân tưởng tượng ra tất cả.
“Con còn vọng cầu chi nữa?” Sư thầy hỏi. “Tinh túy của vạn vật vô
hình dưới đôi mắt.” Im lặng hồi lâu, thầy tiếp, “Các giác quan luôn
khiến ta lạc lối, trong đó, đôi mắt là kẻ dối lừa nhất. Con người phụ
thuộc quá nhiều vào thị giác. Chúng ta nhìn mà không thể thấy. Ta
phải học cách chắt lọc bản chất cốt lõi của vạn vật. Xét về mặt này, đôi
mắt lại cản trở nhiều hơn hỗ trợ. Chúng khiến ta phân tâm. Con người
ai cũng thích bị lóa mắt. Dựa dẫm vào thị giác, người ta sẽ bỏ bê các
giác quan còn lại, không chỉ là thính giác, xúc giác hay khứu giác.
Thầy đang nói về phần nội quan vô danh trong mỗi người. Ta hãy gọi
đó là kim chỉ nam của thân tâm.”
Nhà sư già chìa tay ra, Tin Win bất ngờ sao tay thầy lại ấm áp
nhường vậy. “Không có mắt nhất định phải cẩn trọng. Nghe thì dễ,
làm mới khó. Bởi ta phải quán chiếu
từng cử động, từng hơi thở. Nếu
tâm ta bất định hay miên man trôi theo suy nghĩ, các giác quan sẽ đưa
ta vào mê lộ. Chúng đùa nghịch ta như những đứa trẻ hư đòi được
quan tâm. Như khi ta mất kiên nhẫn, ta muốn mọi thứ diễn ra thật
mau. Làm gì ta cũng hối hả. Ta đánh đổ trà hay bát canh. Ta không
lắng nghe thật kĩ những lời mọi người nói vì tâm ta bị cuốn đi đâu đó
trong suy tưởng. Hoặc khi tâm ta tức giận thét gào. Từng có lần ta giận