qua những đêm sâu mịt mùng, qua thác ghềnh giá buốt, đi cho đến lúc đôi
chân rớm máu, gục xuống lại bò tiếp. Miễn là được nhìn thấy cánh cửa,
nắm lấy nó và nói: “Đây, tôi đã đến, xin đừng xua đuổi tôi”. Có những
giọng nói nghe như một lời hứa hẹn của hạnh phúc.
Tàu chuyển bánh. Pêtrốp ngó qua ngoài cửa sổ. Trên sân ga anh nhìn
thấy người phụ nữ trẻ tuổi. Gương mặt tái nhợt, nụ cười, bàn tay giơ lên -
chỉ có thế. Bóng tối lập tức ập ngay vào khuôn cửa. “Nếu anh dừng ở
Mátxcơva, anh nhớ gọi điện cho Masa nhé!” và chị nói số điện thoại. Pêtrốp
nhẩm lại số điện thoại hồi lâu và không tin ở trí nhớ của mình, anh ghi nó
lên thẻ quân nhân.
Dọc đường, Pêtrốp luôn ngó ra cửa nhìn những đám tuyết dày đặc,
những cột điện thoại nối nhau chạy dài vào nẻo xa màu xám. Thành phố
Trung Á xa dần không còn đường trở lại với nó nữa. Nó trở thành hồi ức
mờ ảo, như hư như thực, lấp lẫn giữa dòng đời như một ngày đã sống qua
giữa ba trăm sáu mươi ngày của một năm dài dằng dặc.
Mùa đông, mùa xuân và mùa hè mưa nhiều trôi qua trong những trận
đánh. Khi vượt qua tuyến phòng thủ của quân Đức ở Vitép, Pêtrốp bị
thương vào đầu. Ba tháng anh nằm ở bệnh viện. Ra viện anh được gửi đến
một nhà nghỉ để hồi sức sau vết thương nặng nề. Pêtrốp yêu cầu được về
nghỉ ở thành phố Trung Á, nơi anh đã được gọi vào quân đội. Gần thành
phố có một an dưỡng đường nhỏ ở trên núi.
- Ồ, anh bạn thân mến. – ông bác sĩ già râu bạc, quân hàm nhàu nát nói
với anh – Anh nghĩ lại xem! Anh chỉ có một tháng mà đi về đã mất mười
ngày rồi!
- Có khi một ngày còn quý hơn cả một năm - Pêtrốp cãi lại.
- À, nếu vậy thì… Nếu anh có những lý do đặc biệt để về đấy – Ông bác
sĩ làu bàu, thì tôi chỉ biết giơ tay. Tôi đồng ý.