bộp vào mui xe nghe càng to. Mùi cỏ ẩm ướt và mùi bãi lầy lọt vào cửa xe
cũng đậm thêm.
- Lạ thật! - Anđecxen nói - Ở Ý, tôi đinh ninh sẽ được thấy mùi rừng
cam chanh, hóa ra lại gặp cái khí trời đầy nước phương bắc của tôi.
- Sắp khác rồi, ông ạ, - thiếu phụ nói. - Xe đang lên đồi. Trên kia khí
trời ấm hơn.
Ngựa đi bước một. Quả thực xe đang lên một quả đồi thoai thoải.
Nhưng đêm không vì thế mà sáng hơn. Trái lại, hai bên đường kéo dài
những hàng du cổ thụ, dưới cành lá lòa xòa bóng tối càng dày đặc hơn và
âm thầm hơn, thoáng nghe thấy tiếng mưa rì rào trên lá.
Anđecxen hạ cửa xuống. Một cành du thò vào xe. Anđecxen bứt vài
chiếc lá làm kỷ niệm.
Giống như nhiều người giàu trí tưởng tượng, chàng say mê thu lượm đủ
mọi thứ lặt vặt trong những chuyến đi. Nhưng những cái lặt vặt ấy có một
đặc tính: chúng làm sống lại dĩ vãng, tái tạo cái trạng thái mà Anđecxen đã
trải qua đúng lúc chàng nhặt một mảnh vỡ của bức khảm, một chiếc lá du
hay móng sắt nhỏ của một con lừa nào đó.
- Đêm rồi! - Anđecxen tự nhủ.
Lúc này chàng thích màn đêm hơn là ánh sáng mặt trời. Bóng tối cho
phép ta yên tĩnh suy nghĩ về mọi thứ trên đời. Và khi chàng nghĩ chán rồi
thì nó giúp chàng tưởng tượng ra mọi thứ chuyện trong đó nhân vật chính là
bản thân chàng. Trong những câu chuyện đó Anđecxen bao giờ cũng hình
dung là mình đẹp trai, trẻ trung, hoạt bát. Chàng hào hiệp tung ra quanh
mình những lời nói làm say sưa lòng người, những lời mà các nhà phê bình
đa cảm gọi là “hoa thơ”.
Thực ra chàng rất xấu trai và hiểu rõ điều đó. Chàng cao ngổng và nhút
nhát. Tay chân chàng lòng thòng như tay chân con rối treo trên sợi dây.
Những con rối mà ở tổ quốc chàng trẻ con gọi là “hampenman”.
Với những đặc tính như thế chẳng có hy vọng gì được phụ nữ chú ý.
Nhưng mỗi lần những thiếu phụ đi qua mặt chàng như qua cái cột đèn thì
lòng chàng lại nhói lên vì hờn tủi.