- Tôi là nhà tiên tri, - không đắn đo, Anđecxen đáp. – Tôi biết tiên đoán
tương lai và nhìn rõ trong bóng tối. Nhưng tôi không phải là một tên bịp
bợm. Và, có lẽ tôi là một thứ ông hoàng nghèo ở cái xứ sở của Hamlet đã
sống ngày xưa.
- Thế cái gì ông có thể nhìn thấy trong đêm tối thế này? - một cô gái
ngạc nhiên hỏi.
- Như cô chẳng hạn, - Anđecxen trả lời. – Tôi thấy cô rõ đến nỗi lòng
tôi đã mê say trước vẻ kiều diễm của cô.
Chàng nói điều đó và cảm thấy mặt mình lạnh toát. Cái trạng thái mà
chàng thường trải qua mỗi lần sáng tác thơ hoặc truyện cổ tích đã đến gần.
Trong trạng thái ấy hòa hợp lại nỗi ưu tư nhẹ nhàng, những suối từ không
hiểu từ đâu đến và cảm giác bất ngờ về sức mạnh của của thơ ca, về quyền
lực của mình đối với trái tim người đời.
Giống như trong một câu chuyện chàng viết, nắp chiếc rương thần cũ kỹ
bỗng bật mở ầm một cái. Trong chiếc rương đó giấu kín những ý nghĩ chưa
thốt thành lời, những tình cảm còn ngủ yên và tất cả sự mê hoặc của trái đất
- mọi màu sắc và âm thanh, những làn gió ngát hương và biển cả bao la,
tiếng ồn ào của rừng, những dằn vặt của tình yêu và tiếng líu lo của con trẻ.
Anđecxen không biết gọi trạng thái ấy là gì. Một số gọi đó là cảm hứng,
số khác gọi là sự phấn chấn, số khác nữa gọi là tài ứng tác.
- Tôi tỉnh giấc và nghe thấy giọng các cô nói trong đêm, - im lặng một
lát, chàng điềm đạm nói. – Các cô gái xinh đẹp ơi, như thế cũng đủ để cho
tôi quen biết các cô và còn hơn thế nữa, để yêu các cô như những cô em gái
thỉnh thoảng mới gặp mặt. Tôi nhìn thấy các cô rõ lắm. Chẳng hạn như cô,
cô con gái có mái tóc vàng nhẹ bỗng. Cô là cô gái hay cười khanh khách và
cô yêu hết thảy mọi vật đến nỗi những con sâu trong rừng cũng sà xuống
đậu trên vai cô khi cô vun xới trong vườn.
- Ôi, Nicôlina, ông ấy nói đằng ấy đấy! - Một cô gái lớn tiếng thì thào.