" Cha yêu quý, thế là con đã nằm bệnh viện được một tháng, - nàng đọc
- Vết thương không nặng lắm. Đại thể là nó đang lên da non. Xin cha đừng
lo lắng và chớ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Con van cha
đấy!"
" Con luôn nhớ đến cha, - Tachiana đọc tiếp - đến ngôi nhà của cha con
ta, đến tỉnh lị của chúng ta. Tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở
đâu mãi chân trời. Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước
vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường nhỏ dẫn tới phong
đình bên dốc đã được quét dọn sạch sẽ, còn băng bụi phủ đầy những khóm
tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang
thoảng. Cây dương cầm cuối cùng đã được lên dây lại và cha đã cắm những
cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Leningrad vào những chân đèn. Và
vẫn những bản nhạc ấy trên chiếc đàn? Bản tự khúc của vở nhạc kịch "Con
đầm Pích" và tình ca "Trên bờ cõi Tổ quốc xa xôi." Không biết quả chuông
treo ở cửa có kêu không? Thế là con vẫn chưa kịp chữa. Chả lẽ rồi con sẽ
lại được gặp tất cả những cái đó? Chả lẽ rồi con lại được lấy nước giếng
trong bình mà rửa sạch bụi đường xa? Cha nhớ không? Ôi, nếu cha biết
được rằng từ chốn xa xôi này con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng
nào? Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật nghiêm túc
rằng con nhớ đến những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh.
Con biết rằng con đang bảo vệ không riêng gì bờ cõi đất nước mà cả cái góc
nhỏ bé và thân yêu ấy trong lòng con: tức là cả cha, cả khu vườn nhà ta, cả
những chú bé tóc bù xù trong làng ta, cả những khu rừng bạch dương bên
kia sông và cả con mèo Arkhiv nữa. Xin cha đừng cười và đừng lắc đầu cha
nhé. Có thể khi ra viện con sẽ được về nhà ít lâu. Điều đó chưa chắc lắm.
Tốt hơn là cha đừng đợi".
Tachiana ngồi mãi bên bàn, mắt mở to nhìn qua cửa sổ, nơi bình minh
bắt đầu hé lên trong màu xanh dày đặc và nghĩ rằng rồi đây, ngày một, ngày
hai, một người không quen biết có thể từ mặt trận trở về ngôi nhà này và